Quá nhiều lễ hội có cổ súy cho thói quen 'thảnh thơi'?

author 06:52 10/03/2015

(VetQ.vn) - Người từng đề xuất nhập Tết ta và Tết tây - GS Võ Tòng Xuân cho rằng: Việt Nam có quá nhiều lễ hội, vô hình chung cổ xúy cho thói quen “thảnh thơi”, thích tụ tập của con người.

Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%); 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%); 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%); 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%); còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Phú Thọ...

Cao điểm mùa lễ hội thường là sau Tết Nguyên đán. Vậy nên mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Chính vì vậy, sau Tết, mặc dù đã bước vào thời gian làm việc nhưng không khi ăn Tết, không khí lễ hội vẫn còn trong phần đông người Việt.

Quá nhiều lễ hội có cổ súy cho thói quen “thảnh thơi”?

Mặc dù đã quá rằm tháng Giêng nhưng không khí ở các lễ hội không bớt "nguội". Ảnh minh họa

Bằng chứng là trong các cuộc hội hè, du xuân, số lượng người tham dự thường quá tải. Hàng vài  trăm nghìn người tham gia trảy hội ở mỗi di tích trong ngày khai hội (chưa kể hội kéo dài hàng tháng). Người đi hội nhễ nhại, mướt mát mồ hôi, dẫm đạp lên nhau chỉ để chen được chỗ có thể đứng bằng hai chân…

Theo GS Võ Tòng Xuân, các nhà quản lý đang có những sai lầm về việc cho phép các lễ hội mọc ra rất nhiều. Hiện nay, có rất nhiều lễ hội giống nhau, cái nào cũng giống cái nào. Thậm chí, 2 làng sát nhau nhưng có 2 lễ hội giống y hệt nhau nhưng người dân vẫn “thấy hội là đi”.

Vị GS này cho rằng, chúng ta tổ chức lễ hội để bảo tồn văn hóa lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử. Nếu lễ hội nào gắn với sự tích linh thiêng, phản ánh được văn hóa truyền thống thì để, lễ hội nào không tiêu biểu thì không nên khuyến khích cử hành lễ linh đình, rầm rộ.

“Cái khó của chúng ta hiện nay là đã trót cấp phép cho quá nhiều lễ hội nên không thể nói dẹp bỏ là dẹp được. Nên chúng ta chỉ có thể không làm nó quá linh đình thôi”, GS Xuân nói.

Tôn trọng tín ngưỡng của người dân nhưng GS Xuân tỏ ra không hài lòng vì người Việt bỏ bê công việc tham dự lễ hội quá nhiều. Một người có thể đi rất nhiều lễ hội. Lễ hội kéo dài hàng tháng, thậm chí vài tháng trời. So sánh với đất nước Nhật Bản mà mình từng sống, GS Xuân cho biết: Mỗi địa phương tại Nhật Bản đều có một cái chùa, đền rất nổi tiếng. Nhưng mỗi năm, tại đây chỉ có 1-2 ngày lễ hội vào đầu năm. Nhóm người bán hàng dịch vụ ở lễ hội biết lịch và chỉ tới kinh doanh vào thời điểm đó, chứ không kéo dài lê thê cả tháng như ở Việt Nam.

Vậy nên, 40 năm qua, theo dẫn chứng của GS Xuân, mặc dù cũng đi lên tay trắng từ chiến tranh nhưng đất nước Hàn Quốc đã tăng trưởng kinh tế gấp 12 lần; Thái Lan gấp 8 lần; trong khi Việt Nam chỉ hơn 4 lần. Tuy nhiên, trong cuộc lễ hội nào, người Việt cũng rất “năng nổ”.

“Chủ yếu là công chức Nhà nước đi hội. Người lao động ở công ty tư nhân họ có cách quản lý bằng sản phẩm nên không mấy ai đi”, GS Xuân nhận định.

Theo vị này, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị sa sút vì những con người “thảnh thơi”. Khi tình trạng kinh tế thay đổi theo hướng tốt lên, người dân sẽ thực tế hơn, lo đi làm hơn đi lễ hội.

“Chúng ta có quá nhiều lễ hội. Điều này sẽ cổ xúy cho thói quen thảnh thơi của chính chúng ta”, ông Võ Tòng Xuân nói. “Việc sáng suốt là cần phải tập trung làm việc để tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Không nên sa đà vào lễ hội như hiện nay”.

Trà Phương

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang