Qua vụ án “Gián điệp H122”, Trần Đăng Ninh được mệnh danh là ‘Bao Công’ của VN

authorViết Cường 16:26 25/04/2015

(VietQ.vn) - Vụ án “Gián điệp H122” sau này trở thành bài học kinh điển cho công tác phòng chống gián điệp của ta.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thanh tra Việt Nam, ngày 25/4, Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ có đăng bài viết về sự nghiệp ông Trần Đăng Ninh, Phó tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ đầu tiên. Ông được coi là vị “Bao công” của Việt Nam sau khi minh oan cho nhiều người trong vụ gián điệp H122.

Trần Đăng Ninh (1910-1955), tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, quê tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội). Ông là nhà hoạt động cách mạng và quân sự, Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần, Quân đội Nhân dân Việt Nam) giai đoạn 1950-1955 và là Phó tổng Thanh tra đầu tiên của Ban Thanh tra Chính phủ (năm 1949).

Trần Đăng Ninh tuy không phải một vị quan tòa, nhưng ông lại được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình, có lý, không bao giờ để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

vụ án gián điệp h122

Ông Trần Đăng Ninh trong Chiến dịch Biên Giới, người ngồi thứ hai từ trái qua.

Vụ án “Gián điệp H122” chính là một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà “Bao công” Trần Đăng Ninh đã xử lý vô cùng độc đáo nhưng cũng rất chuẩn xác, giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1948, cơ quan quân báo nhận được tin phòng Nhì Pháp đã gài một gián điệp mang bí số H122 vào cơ quan chỉ huy của ta ở liên khu Việt Bắc. Theo tin này, H122 đã lấy được báo cáo về kế hoạch quân sự Thu – Đông năm 1948 của ta và chuyển về cho địch.

Đây thực chất chỉ là một kế hoạch ly gián của địch. Nhưng do tâm lý chủ quan, nóng vội, quan liêu và kinh nghiệm còn non kém của ta, hậu quả của sự việc đã trở nên rất nghiêm trọng.

Ngày đó khi có tin gián điệp H122 được cài vào lực lượng của ta, khắp các đơn vị ở liên khu Việt Bắc đã nhìn nhau với ánh mắt nghi kỵ. Một hôm, có một anh giám mã (chuyên làm nhiệm vụ chăn dắt ngựa) đã vô tình chạy ra sân lấy cái khăn mặt màu trắng vào nhà đúng lúc có máy bay địch bay qua.

Một người trong đơn vị nhìn thấy, cho rằng anh giám mã đó đã dùng “cờ trắng” để báo hiệu cho máy bay địch. Anh giám mã bị bắt ngay sau đó và bị gán cho cái tội là gián điệp H122. Vì quá nóng vội, các cán bộ làm nhiệm vụ thẩm tra anh giám mã đã áp dụng những biện pháp nặng tay không cần thiết với anh giám mã, khiến anh này không chịu được, đành đánh liều thừa nhận mình là H122.

Sau khi thừa nhận mình là gián điệp, “H122” còn chỉ ra thêm những cán bộ khác trong đơn vị cũng là “gián điệp” của phòng Nhì Pháp cài vào.

Cứ như vậy, cán bộ này khai ra cán bộ kia, người này “chỉ điểm” người kia, dần dần vụ án mở rộng ra đến mức có vài trăm cán bộ, trong đó có các cán bộ cấp cao, làm việc ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, nhiều cán bộ ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên cũng bị liên đới.

Việc bắt bớ diễn ra, gây hoang mang cho các đơn vị. Không chỉ thế, nhiều người dân bình thường, trong đó có những người phụ nữ bán xôi rong, cũng bị gán tội “làm gián điệp” do bị người quen “khai” ra.

Trước tình hình đó, nghi ngờ vụ án có uẩn khúc, Bác Hồ đã cử Trần Đăng Ninh - khi đó là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đi kiểm tra, xem xét vụ án nghiêm trọng này. Ông đã tổ chức một đoàn kiểm tra gồm các cán bộ của Ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Quân khu Việt bắc, Nha Công an Trung ương, Sở Công an liên khu Việt Bắc, Liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh có liên quan đến vụ án.

Ông cũng yêu cầu đồng chí Lê Giản chọn những cán bộ công an có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiểm tra. Ông yêu cầu các cán bộ tham gia công tác kiểm tra phải thật cụ thể, khách quan, thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác.

Khi điều tra vụ án H122, điều khiến Trần Đăng Ninh cảm thấy rất không ổn là những tài liệu trong vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Hơn nữa, hoạt động gián điệp không thể lộ liễu, xô bồ mà phải đơn tuyến, không thể có chuyện các mạng lưới gián điệp đều nắm giữ thông tin của nhau được, trong khi đó, các cơ quan liên khu đều không thể chỉ ra được tài liệu bị mất là tài liệu nào.

Một điều khiến Trần Đăng Ninh băn khoăn là H122 - một “gián điệp” do phòng Nhì Pháp cài vào hóa ra lại chỉ là một anh giám mã không biết chữ, hàng ngày chăm sóc ngựa, không có điều kiện tiếp xúc với những hồ sơ, tài liệu quân sự quan trọng.

Điều này làm nảy sinh trong lòng ông những nghi vấn. Khi hỏi ra lý do vì sao anh giám mã bị nghi ngờ là H122, ông mới biết chuyện vẫy cờ trắng gọi máy bay của anh giám mã. Là người tôn trọng chứng cứ, cẩn thận trong việc kiểm tra, Trần Đăng Ninh đã đích thân đến tận cái sân mà “H122” vẫy máy bay. Tại đây, ông lập tức thấy có chuyện không ổn bởi khoảng sân chỉ rộng bằng vài manh chiếu nhỏ, nằm trong một khu rừng rậm, từ vị trí đó không thể ra dấu cho máy bay được.

Từ nghi vấn này, ông đã vận động anh giám mã “H122” và những cán bộ bị bắt do có liên quan đến vụ án mạnh dạn khai nhận sự thật. Đến lúc này, “H122” và các cán bộ bị bắt mới thú nhận do không chịu nổi sự tra khảo cực đoan, vội vã của một số cán bộ thi hành nhiệm vụ, nên họ đã đành phải khai sai, khai liều và làm oan thêm những người vô tội khác.

Lập tức Trần Đăng Ninh ra lệnh thả những cán bộ bị bắt trong vụ án gián điệp H122 và chính thức khép lại vụ án. Mấy trăm người bị oan đã được trả tự do, phục hồi công tác. Những cán bộ mắc sai lầm trong vụ án này bị kiểm điểm xác đáng.

Sau này, có lần có dịp đi trực thăng qua các khu rừng rậm, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh vẫn thử nhìn xuống dưới cánh rừng xem có thể nhìn thấy một cái khăn trắng giữa một cánh rừng rậm thế không. Mỗi lần như thế, ông càng vững tin quyết định của mình trong vụ án gián điệp H122 là đúng.

Vụ án gián điệp H122 sau này trở thành bài học kinh điển cho công tác phòng chống gián điệp của ta.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang