Quản chặt về nhãn hàng hóa, phụ gia thực phẩm hết đường nhập nhèm

author 19:10 02/06/2017

(VietQ.vn) - Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi nhãn trên nhãn hàng hóa. Theo đó, lần đầu tiên phụ gia thực phẩm được đưa vào diện bắt buộc phải ghi thông tin trên nhãn trước khi lưu thông trên thị trường.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Nghị định định 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 quy định phụ gia thực phẩm bắt buộc phải ghi thông tin trên nhãn trước khi lưu thông trên thị trường

“Loạn” hóa chất, phụ gia không nhãn mác

Tại chợ kinh doanh hóa chất Kim Biên, thuộc quận 5, TPHCM hay chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, người tiêu dùng dễ dàng mua bán hàng ngàn loại hóa chất, chất phụ gia, một cách dễ dàng như mua một mớ rau. Các loại hóa chất công nghiệp như: chất thông cống, tẩy trắng, hàn the… hay các loại hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm, hương liệu trái cây, bột sữa, đường hóa học, phụ gia tạo màu với tác dụng làm mềm, dẻo hay giòn thức ăn, tăng hương vị, màu sắc cho đồ ăn, thức uống… đều được bán với giá khá rẻ, tùy theo từng loại.

Nhiều loại trong số này, được các thương nhân sang chiết, chia lẻ từ bao bì lớn sang bao bì nhỏ và được ghi phân biệt các sản phẩm bằng chữ "tinh lài", "tinh bạc hà" hay " chất làm nhừ"... mà không hề có thêm một thông tin nào khác được gắn trên hàng hóa.

Việc bán thì quá dễ dàng, việc sử dụng hóa chất, chất phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng tùy tiện không kém. Cụ thể: Ngày 4.3.2017, Công an huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bắt quả tang ông Lê Đình Lệ (sinh 1974) và bà Nguyễn Thị Cúc (sinh 1971) đang thực hiện hành vi trộn các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các loại tinh bột trên được nấu trong hai chiếc nồi lớn thành một loại dung dịch đặc sệt có màu đen nhạt rồi trộn chung vào đống hạt tiêu lép. Sau đó, đảo đều và đem phơi nắng để biến những đống hạt tiêu lép thành những hạt tiêu chắc, có màu đen hơn.

Tương tự, cách đây khoảng 2 tháng, cũng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, người ta cũng phát hiện tại nhà ông Nguyễn Khắc Quan Nam sản xuất – kinh doanh gần 2.000 lít tương ớt, tương đen bằng hóa chất – chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Như Chất lượng Việt Nam đã phản ánh trước đó, tình trạng sử dụng phụ gia trong pha chế cà phê thu lợi được kẻ gian sử dụng rất nhiều. Loại cà phê này không có tinh chất cafein, hoặc có nhưng hàm lượng rất thấp. Chủ yếu họ độn ngũ cốc rang cháy, trộn thêm hương liệu, hóa chất rồi chế biến, pha thành cà phê bán cho người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia công nghệ thực phẩm: Hương liệu hóa chất thì dễ dàng mua tại các cửa hàng hương liệu, với nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo sự an toàn. Để tạo mùi, người ta sử dụng tinh cà phê, chủ yếu làm từ hóa chất, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Các loại phụ gia khác như hóa chất tạo bọt, tạo sánh chỉ dùng trong công nghiệp, không được dùng cho thực phẩm, bởi nó độc hại và có nguy cơ gây vô sinh, ung thư…

Hóa chất, phụ gia thực phẩm san chia thành những bao gói nhỏ bày bán ở các chợ đầu mối mà không hề có thông tin gì để người tiêu dùng nhận biết. 

Minh bạch thông tin bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thực tế trước đây, vấn đề ghi nhãn đối với hàng hóa bao gói đơn giản, hàng hóa là hóa chất, phụ gia thực phẩm dạng rời không có bao bì thương phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng được bày bán nhiều trên thị trường chưa bắt buộc phải ghi nhãn trong khi đây là những loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.

Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp gây mất an toàn, ví dụ như những loại phụ gia thực phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó được san chia thành những bao gói nhỏ bày bán ở các chợ đầu mối lớn như chợ Đồng Xuân, Kim Biên… mà không hề có thông tin gì để người tiêu dùng nhận biết.

Bên cạnh đó, tình trạng nhập nhèm ngày sản xuất, hạn sử dụng đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, đóng gói lại cũng xảy ra khá phổ biến. Vấn đề này thực tiễn đã dẫn đến nguy cơ gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hoá, chất lượng của hàng hóa có nguy cơ không duy trì được mức chất lượng ban đầu dẫn đến gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Nghị định định 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã khắc phục hoàn toàn những bất cập trên. Theo đó, nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu thì phải ghi tên nhóm hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”.

Theo quy định mới thì hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời là phụ gia thực phẩm, hóa chất, không có bao bì thương phẩm để bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân bán hàng phải công khai các thông tin sau để người tiêu dùng nhận biết như: Tên hàng hóa; Hạn sử dụng; Cảnh báo an toàn (nếu có); Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và phải có hướng dẫn sử dụng, ông Tuấn cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa Trần Quốc Tuấn, việc bổ sung quy định ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm nhằm mimh bạch thông tin, bảo vệ người tiêu dùng khi mua những hàng hóa khó thực hiện ghi nhãn.

Không ghi lượng trên nhãn hàng hóa bị phạt thế nào?(VietQ.vn) - Cơ sở sản xuất hoa quả sấy khô nhà tôi không ghi lượng trên nhãn hàng hóa. Vậy cơ sở nhà tôi sẽ bị xử phạt thế nào?

Thanh Uyên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang