Quan điểm gộp Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch: Hai làn sóng ngược chiều

authorTrần Thanh 21:40 16/01/2017

(VietQ.vn) - Quan điểm gộp tết ta với tết tây của nhà văn trẻ Tuệ Nghi đã gây ra những tranh cãi cho mọi người.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Trong vài năm qua, VTC News đăng tải loạt bài gộp Tết ta vào Tết tây để Việt Nam có một cái Tết hội nhập, để không bỏ lỡ việc giao thương với nước ngoài, tránh lãng phí, trì trệ trong nhịp sống. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Quan điểm của VTC News trong loạt bài là ủng hộ thay đổi mốc thời gian (gộp tết Âm lịch vào tết Dương lịch), còn những tinh hoa văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của cha ông trong ngày Tết thì vẫn phải phải giữ lại. 

Gần đây, nhà văn trẻ Tuệ Nghi gửi cho VTC News một bài viết, ủng hộ quan điểm gộp Tết dương lịch và Tết âm lịch. Cũng là một góc nhìn mang tính tham khảo, chúng tôi xin đăng nguyên văn quan điểm của tác giả: 

quan điểm gộp tết ta và tết tây của nhà văn Tuệ Nghi: Hai làn sóng ngược chiều

Nhà văn trẻ Tuệ Nghi: Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội hiện nay.

Những năm trở lại đây, cứ mỗi dịp xuân về lại bùng nổ dữ dội tranh cãi vấn đề nghỉ Tết. Cái việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến các nhà kinh tế hội nhập "sởn hết gai ốc" vì lo sợ. 

Người ta hô hào hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền. Tôi không phủ nhận, Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.

Chúng ta chọn đất nước giàu mạnh hay chọn cố chấp giữ truyền thống để cứ phải ngậm ngùi nhìn các quốc gia khác vượt mặt chúng ta hàng thập kỷ?

 Đứng trên góc nhìn của một người làm kinh doanh, Tuệ Nghi đã không ngần ngại đánh giá rằng : Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.” Hay cô đã “đánh thẳng” vào sự thật : “…Chúng ta đang sống ở cái thời mà giáp giao thừa vẫn còn có thể chạy ra mua vội mớ củ kiệu đóng hộp, mấy cái bánh chưng làm sẵn, đống mứt nhiều màu của tây của tàu đủ cả. Rồi chúng ta bỏ tiền tỷ ra để tái hiện những không gian tết xưa, vô cùng lãng phí và gượng ép.” Sau đó, cô đã lập luận cùng những dẫn chứng tương tự để chỉ ra nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam bị bỏ xa so với đường đua kinh tế thế giới. Và câu nói “Hà cớ gì Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?...” đã chốt hạ cho quan điểm bỏ cũ làm mới Tết Việt Nam của Tuệ Nghi. 
 
quan điểm gộp tết ta và tết tây của nhà văn Tuệ Nghi: Hai làn sóng ngược chiều
 
Tuệ Nghi – tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc , là một doanh nhân trẻ thành công ở tuổi 24. Cô vừa đảm nhiệm công việc kinh doanh vừa tham gia viết sách
 
Đã có những ý kiến trái chiều trước bài viết của Tuệ Nghi
 
Tết hay còn gọi là Tết cổ truyền của dân tộc luôn mang ý nghĩa rất sâu sắc. Người Việt ăn mừng Tết với niềm tin thiêng liêng: Tết là ngày đoàn tụ và là ngày của hi vọng. Nói Tết là ngày đoàn tụ của mọi gia đình bởi vì đây là nỗi mong mỏi của tất cả các thành viên trong gia đình, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết để gặp mặt và quây quần cùng gia đình.
 
Ngày nay người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết “tây hoá” dần đi, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón tết và trong việc sắm tết. 
 
Nói về vấn đề gộp Tết Ta với Tết Tây của nhà văn Tuệ Nghi, bạn Đặng Nữ Tài Thu (Học viện Cảnh sát Nhân dân) chia sẻ: “"Mình thấy việc nhà văn trẻ Tuệ Nghi nói về việc gộp Tết truyền thống, và mình không ủng hộ quan điểm này. Tết cổ truyền - cái tên nói lên rất nhiều điều, đó là truyền thống từ xa xưa, là một nét đẹp văn hóa đáng gìn giữ. Muốn biết giá trị của Tết cổ truyền, hãy hỏi cảm giác của những người con tha phương! Hãy nghe những tiếng cười của trẻ nhỏ ngày Tết thì mới ngấm được cái dư vị Tết cổ truyền ý nghĩa và đặc trưng như thế nào”.
 
“Mình không trùng quan điểm với nhà văn Tuệ Nghi. Bởi lẽ người ta nói hoà nhập chứ không hoà tan. Mà theo như cách chị ấy nói thì gộp Tết ta vào thì còn gì là truyền thống nữa. Đấy là hoà tan rồi. Mất Tết là mất hết nét đặc trưng dân tộc. Mình không thích điều này” (Bạn Trần Trọng Cường – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ).
Cô Nguyễn Thu Thuỷ (Giáo viên Tiếng anh trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) nhận xét : “Quan điểm gộp Tết ta vào Tết, tôi hoàn toàn không đồng ý. Hội nhập ra thế giới là tốt, nhưng đừng lấy đó là cái cớ để bỏ đi bản sắc dân tộc. Giá trị của một đất nước được biết đến qua chính những truyền thống ấy. Và Tết truyền thống thì sẽ mãi vẫn còn.” 
 Tuy nhiên cũng không ít người đồng ý với việc gộp Tết ta vào Tết Tây. Trên “Diễn đàn Tinh tế”, anh Trần Hiệp cũng thể hiện sự đồng tình với nhà văn trẻ: “Thời đại mới chúng ta hoàn toàn có thể du nhập một cái Tết mới, bỏ cái Tết cũ”. Anh Trần Hiệp – người sáng lập ra diễn đàn Tinh tế, diễn đàng công nghệ thông tin top đầu hiện nay, cùng đứng trên phương diện kinh tế như Tuệ Nghi đã bày tỏ trên báo điện tử VTC News rằng : “Tết Nguyên đán không còn phù hợp với thời đại. Về yếu tố kinh tế, việc chúng ta để hai cái Tết tạo thành sự lệch pha về thời gian với các nước trên thế giới, ảnh hưởng đến mối quan hệ làm ăn. Tiếp đó, anh cho rằng khi ăn Tết ta như Tết tây, yếu tố văn hóa vẫn không mất đi giá trị tâm linh đồng thời còn tốt hơn hiện tại bởi tâm linh và văn hóa phù hợp với lối sống thực tế”.
 
Trên trang cá nhân của nhà văn Tuệ Nghi, khá nhiều bạn trẻ cũng thể hiện sự đồng tình của mình với suy nghĩ táo bạo này. Một bạn nhận xét rằng ở Hà Nội, vào thời gian gần Tết Âm lịch, công việc chậm lại bởi nhiều người có tư tưởng gần Tết thì chẳng muốn làm gì, ảnh hưởng đến năng suất, thành quả. Nước ta có quá nhiều đợt nghỉ lễ. 
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. "Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
 
Có thể nói, Tết Nguyên Đán vẫn là một sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang