Quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng

author 06:25 10/07/2019

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong thời gian qua, nhất là từ khi có giám sát tối cao của Quốc hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý an toàn thực phẩm được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và có sự chuyển biến tích cực, liên tục, rõ rệt. Ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân trong đó có những hộ sản xuất nhỏ lẻ và người tiêu dùng tiếp tục được nâng lên.

Các công cụ, công nghệ trợ giúp người tiêu dùng trong đánh giá, nhận diện thực phẩm an toàn, hệ thống các phòng kiểm nghiệm phát triển nhanh. Hoạt động sản xuất thực phẩm sạch áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến tiếp tục được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ; các chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm hình thành ngày càng nhiều.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2019, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức chương trình truyền thông về áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu; lựa chọn một số địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị lớn để chỉ đạo làm điểm.

Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chuyên đề về các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nêu rõ tên các doanh nghiệp, cơ sở, sản phẩm vi phạm để có lên án, phê phán từ công luận, xã hội. 

Ảnh minh họa 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm, tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng, theo phương thức bán hàng đa cấp. Trong đó Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát và kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo về thực phẩm không an toàn được quảng cáo, mua bán trên mạng và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông các trường hợp vi phạm để xử lý.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tăng cường quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung siết chặt việc mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm, có giải pháp hữu hiệu quản lý việc sử dụng các trang thông tin điện tử quảng cáo, mua bán thực phẩm không đúng quy định, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương mở chuyên mục về an toàn thực phẩm trong Hệ tri thức Việt số hóa.

Trước đó, theo thống kê từ Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 347.503 cơ sở trong đó phát hiện 56.816 cơ sở bị vi phạm. Xử phạt hành hành chính 8.409 cơ sở với số tiền trên 24,2 tỷ đồng, áp dụng hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, tiêu huỷ sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm.

Đến nay, toàn quốc có 182 phòng kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế và nông nghiệp; 198 cơ sở được chỉ định. Trong tổng số 116.017 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 11.305 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hoá, vi sinh. Về tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ, 288 người mắc, 101 người đi viện và 7 người tử vong.

Bảo Lâm

Cắt giảm thực phẩm giàu chất béo có thể có hại cho cơ thể (VietQ.vn) - Cắt giảm quá nhiều thực phẩm giàu chất béo từ chế độ ăn uống có thể khiến cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang