Quản lý giá thuốc: Kỳ vọng vào thông tư 50?

author 18:10 02/05/2012

(Vietq.vn) - Khi nền kinh tế khó khăn như hiện nay, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đua nhau tăng giá thì việc tăng giá thuốc tác động không nhỏ đến đời sống người tiêu dùng.

Chóng mặt với giá thuốc tăng

Khảo sát tại các điểm bán thuốc ở khu vực Hà Nội… giá nhiều mặt hàng thuốc nội và ngoại đã được chỉnh tăng từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Cụ thể, giá dầu gió Thiên Thảo tăng 15%, từ 105.000 đồng lên 121.000 đồng; dầu Phật linh từ 2.900 đồng lên 3.300 đồng; Notravin tăng thêm 27%; Trafedin lên 18.000 đồng (tăng 44%); hoạt huyết từ 55.000 đồng lên 62.000 đồng/hộp tăng 13%; Dynanogel lên 145.000 đồng/lọ (tăng 16%); Osla từ 8.500 đồng lên 12.000 đồng/lọ có nơi 14.000 đồng…

Các thuốc ngoại như: Niroral mỡ tăng 45%; Cephalecin 500mg từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng/hộp; Listeril 500mg tăng 7% hiện có giá 67.000 đồng/lọ; Enat hộp tăng 5% lên mức 72.450 đồng (có nơi 76.000 đồng); Enat lọ cũng tăng từ 60.000 đồng lên 63.000 đồng (có nơi 65.000 đồng); Ferovit từ 67.000 đồng lên 70.000 - 80.000 đồng/hộp…

Tuy nhiên, qua ghi nhận cũng có một số mặt hàng giảm như: Zentel giảm 5% còn 10.500 đồng/hộp; Kiện não hoàn giảm 10% còn 36.000 đồng/hộp; Robcefa giảm 20.000 đồng còn 110.000 đồng/hộp…

Nền kinh tế khó khăn, nhiều mặt hàng đua nhau tăng giá. Với mặt hàng thuốc dù số lượng mặt hàng tăng không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Ảnh minh hoạc
Số lượng mặt hàng thuốc tăng giá không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam cho thấy, qua khảo sát 12.695 lượt mặt hàng trong tháng (tính từ 21/3 đến 20/4), thuốc nội có 65 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 16% và 28 lượt mặt hàng giảm giá với tỷ lệ giảm trung bình khoảng 7,64%; thuốc ngoại cũng có 43 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,64%, có 33 lượt mặt hàng giảm giá với tỷ lệ giảm trung bình khoảng 5,85%.

Dự báo của hiệp hội trong tháng tới cho thấy, thị trường dược phẩm trong nước không có tăng giá đột biến, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải, lương… tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

Trả lời báo điện tử Chất lượng Việt Nam về việc giá thuốc trên thị trường tăng, ông Trần Đức Chính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, cho biết qua khảo sát hơn 12.000 mặt hàng thuốc cũng chỉ có 65 mặt hàng (thuốc nội), 43 lượt mặt hàng (thuốc ngoại) tăng giá và mức tăng bình quân cũng không cao; ngoài ra, còn có mặt hàng giảm giá. Như vậy, thị trường thuốc là tương đối ổn định.

Ông Chính cũng cho hay, trong cuộc họp với Tổ điều hành thị trường trong nước do Bộ Công thương chủ trì vừa qua, trong 14 nhóm hàng hóa do Nhà nước chủ động quản lý giá, mặt hàng thuốc không hề biến động về giá, là mặt hàng ổn định nhất.

Kỳ vọng vào công cụ ngăn "bệnh" tăng giá thuốc?

Theo một chuyên gia ngành dược, mặc dù giá thuốc được quản lý bằng các văn bản quy định giá trần, giá sàn; cơ quan quản lý nhà nước đi kiểm tra các đơn vị, công ty về giá nhập khẩu, giá bán ra, nhưng thực tế cũng khó tránh khỏi việc tăng giá ngoài thị trường, nhất là các loại thuốc ngoại.

Tuy nhiên, theo vị này, giá thuốc có ổn định hay không phải nhìn vào tổng thể chứ không nên nhìn một số loại thấy tăng mà cho là không ổn định.

Từ ngày 1/6/2012, thông tư 50 về quản lý giá thuốc có hiệu lực, đang được kỳ vọng là công cụ ngăn chặn căn bệnh tăng giá thuốc trên thị trường Việt Nam. Theo đó, ngay khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký giá nhập khẩu đến cảng (giá CIF) dự kiến.

Với thuốc trong nước, sau khi lô hàng đầu tiên lưu hành trên thị trường, nhà sản xuất phải công bố giá thành và các mức giá bán buôn, bán lẻ dự kiến. Giá thành thuốc sản xuất trong nước được xác định rõ dựa trên các chi phí như: nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công, sản xuất chung, trả lãi vay, phân bổ cho sản phẩm phụ. Giá thuốc nhập khẩu bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất, chi phí bảo hiểm, cước vận chuyển đến cảng Việt Nam, không bao gồm thuế nhập khẩu.

Liên quan đến thông tư 50, vị chuyên gia trên cho rằng, quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng giữa các đơn vị thì sẽ đảm bảo tương đối ổn định trong việc kiểm soát giá thuốc. Đặc biệt vẫn phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Đối với các nhà quản lý, cần cải tiến công tác quản lý thế nào để giảm bớt giá đầu vào.

Hoa Yên
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang