Quản lý sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm: Người mừng, kẻ lo!

author 11:56 11/05/2017

(VietQ.vn) - Bên cạnh những doanh nghiệp lo lắng vì Nghị định 87 quy định chặt về dây chuyền thiết bị, có những doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư dây chuyền hiện đại nếu cơ quan quản lý dẹp được nạn mũ giả mũ bảo hiểm.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Thắt chặt tiêu chuẩn để bảo vệ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Quốc Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Nghị định 87/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/7/2016) quy định, doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế ISO 9001; phải có địa điểm sản xuất với địa chỉ rõ ràng. Trang thiết bị của dây chuyền phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn quốc gia.

Trước quy định này, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn chia sẻ, hãng lớn nào cũng thuê gia công; cái họ quan tâm là kiểm soát chất lượng thành phẩm. “Không thể bắt doanh nghiệp có mọi loại thiết bị, bởi nếu đầu tư ban đầu lớn, sản xuất dư thừa, họ sẽ lỗ. Doanh nghiệp không thể đầu tư lớn phải liên kết để gia công. Việc kiểm soát để chất lượng đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới là quan trọng”, ông Tý nói.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Công ty Tiger Team Industry (Bình Dương) cho biết, công ty đã sản xuất MBH 10 năm ở Việt Nam và 20 năm ở Pháp, tuy không trang bị máy ép đùn và khuôn mẫu để sản xuất lớp mút xốp nhưng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn châu Âu. Vì vậy theo bà, thay vì bắt doanh nghiệp đầu tư tất cả thiết bị sản xuất, gây lãng phí, nên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm theo chuỗi sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp MBH, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.

Doanh nghiệp trông đợi Nghị định 87 được thực thi nghiêm túc để người tiêu dùng được sử dụng MBH chất lượng, an toàn

Bảo vệ người làm ăn chân chính

Trái với lo lắng trên, ông Hồ Lê Phong – Chủ nhiệm CLB các Nhà sản xuất MBH Tp.HCM cho rằng, điều quan trọng là Nghị định 87 có được triển khai tốt để giải quyết tận gốc vấn đề hay không: “Nếu Nghị định được thực thi một cách công tâm, sòng phẳng, dẹp được nạn mũ giả thì doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyển sản xuất. Việc thắt chặt điều kiện kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chân chính yên tâm đầu tư phát triển”.

Với quy định: Doanh nghiệp phải tự đầu tư trang thiết bị và khuôn mẫu đầy đủ để sản xuất như vỏ mũ, đệm mút xốp…, ông Phong cho rằng, đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp muốn né tránh dựa trên nguyên tắc nếu kiểm soát được chất lượng thì không cần phải tự sản xuất mà có thể đặt gia công linh kiện, doanh nghiệp chỉ thực hiện khâu lắp ráp.

“Chúng tôi nghĩ điều này chính là nguyên nhân gây “bát nháo” của thị trường MBH hiện nay mà Nghị định 87 muốn chấn chỉnh. Vì vậy, việc đầu tư này theo chúng tôi là cần thiết, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt để bảo đảm doanh nghiệp “thật” và họ có đủ khả năng để chịu chế tài của pháp luật”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng nói thêm, mỗi loại mũ là một mẫu mã khác nhau việc sử dụng mút xốp của một vài cơ sở sản xuất đại trà thì không thể đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, ông Phong cho rằng việc liên kết sản xuất như một số đề xuất của các doanh nghiệp sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn khiến cho thị trường MBH rối ren như cũ.

Ông Phong cũng cho rằng, thời gian vừa qua doanh nghiệp sản xuất MBH đạt chuẩn “thoi thóp” sống trước sự cạnh tranh của mũ giả MBH. Do đó, việc ban hành Nghị định 87 chính là nút thắt tháo gỡ những tồn tại trên thị trường MBH hiện nay.

“Phải quyết liệt thực thi Nghị định mới lành mạnh được thị trường MBH”, ông Phong nói.

'Rộng cửa' cho DN có năng lực đầu tư thiết bị sản xuất mũ bảo hiểm(VietQ.vn) - Các yêu cầu về điều kiện sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP chặt chẽ hơn so với quy định cũ, do đó những doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ khó đáp ứng.

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang