Quản lý thị trường Đà Nẵng cố tình lách luật, giữ hàng vi phạm quá hạn rồi trả lại?

author 17:01 23/08/2015

(VietQ.vn) - 7 tấn bột ngọt có nhiều dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng bị Quản lý thị trường Đà Nẵng giam giữ, rồi trả lại cho doanh nghiệp tự giữ, với lý do chưa liên hệ được với Cục Sở hữu trí tuệ?

Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng vừa có quyết định tạm giữ 7 tấn bột ngọt của Công ty TNHH SXTM Hà Trung Hậu (cư xá Chu Văn An, phường 26 – quận Bình Thạnh, TP.HCM) từ ngày 24/6, với lý do là nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa theo Luật sở hữu trí tuệ.

Đây là lô hàng bột ngọt Ajiono – Takara nhập khẩu nguyên liệu từ Thái Lan, đóng gói tại Đà Nẵng do Hà Trung Hậu sản xuất.

Số bột ngọt này bị nghi ngờ đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty Ajinomoto Co, InC tại Nhật Bản.

Bột ngọt Ajino - Takara bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu của Ajinomoto Nhật Bản (Ảnh: CTV)

Để bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, Ajinomoto đã gửi mẫu vật là 2 gói bột ngọt có gắn các dấu hiệu “Ajino – Takara và hình” đề nghị Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ giám định, phục vụ cho công tác xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Các kết luận của Viện này sau đó đã nêu rõ: Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm bột ngọt như đã thể hiện trên mẫu vật gửi đi giám định có yếu tố để xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” đã được bảo hộ của Ajinomoto Nhật Bản.

Theo ông Lữ Bằng – Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, Dù đã có kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, nhưng để đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt, Đà Nẵng vẫn làm văn bản gửi Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trưng cầu giám định, làm căn cứu để xử lý.

Biên bản tạm giữ lô hàng Ajino - Takara của Quản lý thị trường Đà Nẵng (ảnh: CTV)

Dù đã thời gian rất lâu, nhưng cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi từ phía Cục Sở hữu Trí tuệ.

Trong lúc mọi việc đang diễn tiến như vậy, bất ngờ, ngày 21/8, chính ông Lữ Bằng lại có văn bản số 508 gửi Đội Quản lý thị trường số 8, cho ý kiến về việc xử lý lô hàng 7 tấn bột ngọt của Công ty Hà Trung Hậu.

Theo đó, căn cứ vào khoản 8 của điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, lô hàng của chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu cho tới nay đã quá thời hạn 60 ngày tạm giữ tang vật, nên phải trao trả lại toàn bộ số hàng đang bị tạm giữ này cho chi nhánh Công ty nói trên.

Trưa ngày 23/8, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, ông Lữ Bằng – Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết: Theo đúng pháp luật quy định, quản lý thị trường chỉ được phép giữ hàng tối đa 2 lần, mỗi lần kéo dài 30 ngày.

Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm là mẫu vật gửi giám định (ảnh: CTV)

Nếu quá thời hạn như đã nêu ở trên, quản lý thị trường buộc phải trả lại hàng cho đương sự tự giữ, tự bảo quản, không được bán hay đem ra bên ngoài tiêu thụ, vì hàng vẫn được niêm phong kỹ càng.

Theo ông Lữ Bằng, nếu sau khi có ý kiến kết luận của Cục Sở hữu Trí tuệ, nếu kết luận cho rằng lô hàng này đã vi phạm thì quản lý thị trường sẽ xử phạt theo đúng qui định, còn không thì phải làm biên bản trả lại hàng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nêu ra lý do tại sao kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ chưa đủ yếu tố để xử phạt Hà Trung Hậu, ông Lữ Bằng cho rằng, các thông tin mà Viện này nói ra chỉ chung chung, không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt, mà cần phải trưng cầu giám định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo ý kiến của một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã đủ để làm căn cứ cho Chi Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng xử lý vi phạm hành chính doanh nghiệp, trong khi chờ ý kiến kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, nếu phía Quản lý thị trường lại dựa vào khoản 8 của điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính để mà trả lại hàng cho Hà Trung Hậu quản lý là bất cập.

Phải chẳng, đây cũng là cách ‘lách luật’ để các đơn vị vi phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu được trả lại hàng, tự quản lý, mà không bị xử phạt vi phạm?

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin vụ việc này.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang