Quản lý thị trường sữa: Không khó, không phức tạp, chỉ thiếu trách nhiệm

author 12:11 03/10/2013

Nguyên nhân là do có nhiều bất cập trong công tác quản lý, ngay như Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Vì thế giá sữa ngày một tăng phi mã!

Đang từ một mặt hàng có tác động rất lớn đến người tiêu dùng, nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, bỗng dưng sữa ngoại mất tên, biến thành sản phẩm dinh dưỡng, thoát khỏi vòng cương tỏa, giá tăng vô tội vạ. Dư luận bức xúc lên tiếng, cơ quan quản lý có trách nhiệm bên này đổ lỗi cho bên kia, mặc cho hàng ngày hàng giờ, người tiêu dùng bị móc túi một cách trắng trợn.

Theo văn bản của Bộ Tài chính gửi lên Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này cho rằng giá sữa đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Cục Quản lý giá, vì nó đã được Bộ Y tế đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng. Từ tháng 4/2013 đến nay, không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Bộ Tài chính, vì với tên gọi mới, các sản phẩm này không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá. Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã có 2 công văn (ngày 12/3/2013 và ngày 7/8/2013) gửi Bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa và Công văn số 170/CQLG-NLTS ngày 7/8/2013 về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công Thương về việc quản lý giá sữa.

Đầu tư dài hạn cho sản xuất sữa thì mới giải được tận gốc bài toán "quản lý giá sữa".


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mặt hàng sữa ngoại vẫn bị lọt ra ngoài danh sách bình ổn giá. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này.

Về phía mình, Bộ Y tế cũng có văn bản báo cáo lên Chính phủ. Theo cơ quan này, việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phân nhóm sản phẩm là để tiện cho việc quản lý nhà nước đối với từng loại sản phẩm, và việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng khi các quy chuẩn trên có hiệu lực, Bộ Y tế đã có công văn gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Cục Quản lý giá xem xét và áp giá đối với danh mục các sản phẩm này với nội dung: sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi, sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố cho trẻ em dưới sáu tuổi đều thuộc Danh mục hàng hóa quản lý giá.

Như vậy, nếu dựa trên 2 bản báo cáo của hai bộ này, thì rõ ràng hai bên đều đã có trách nhiệm với phần việc của mình, chỉ có sự phối hợp là thiếu chặt chẽ.

Nói những việc trên đây, không có nghĩa là chỉ từ khi thay đổi quan niệm về sữa, giá sữa mới bất ổn. Mà thực ra, trước đó, giá sữa cũng đã là vấn đề luôn gây bức xúc cho dư luận. Nguyên nhân là do có nhiều bất cập trong công tác quản lý, ngay như Luật Giá, Luật Cạnh tranh.

Luật Giá thì chính là sự thay đổi định nghĩa về sữa nêu trên đã dẫn đến bất hợp lý trong quản lý giá. Còn Luật Cạnh tranh quy định: Một doanh nghiệp nắm thị phần từ 30% trở lên thì Nhà nước sẽ được can thiệp khi doanh nghiệp ấn định giá bán bất hợp lý. Xét dưới mọi góc độ thì Luật Cạnh tranh có thể can thiệp vào những doanh nghiệp “điều tiết” giá sữa nhưng luật lại bị giới hạn bởi chính Nghị định hướng dẫn thi hành luật khi đánh đồng tăng giá bất hợp lý với ấn định giá bán bất hợp lý.

Nghị định cho rằng, ấn định giá bất hợp lý là giá bán lẻ trung bình tăng 5% trong thời gian 60 ngày liên tiếp. Chính bất cập trong sự đánh đồng này đã làm cho cơ quan Nhà nước dù muốn cũng khó can thiệp vào những doanh nghiệp có khả năng “định hướng” giá và một lần nữa doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sữa lại “rộng cửa” trong việc “hô” giá sữa. Mặc dù Nhà nước quy định kinh phí dành cho quảng cáo không được quá 10% chi phí sản xuất. Nhưng do quy định chung chung như vậy nên nhiều doanh nghiệp đã “lách” luật bằng cách không đứng ra trực tiếp quảng cáo, làm truyền thông mà để công ty mẹ ở nước ngoài thực hiện công việc này nhằm vừa “đúng” luật vừa quảng cáo được với chi phí lớn.

Một quy định nữa của Bộ Tài chính tưởng rằng sẽ quản lý chặt chẽ giá sữa nhưng cuối cùng cũng lại là kẽ hở để cho các doanh nghiệp làm “giá sữa” ấy là quy định: Nếu mức giá tăng vượt “trần” 20% và tăng liên tiếp trong vòng 15 ngày sẽ bị “tuýt còi”. Với mức trần cao và thời gian quy định không được tăng giá ngắn như vậy có khác nào “mỡ để miệng mèo”, các doanh nghiệp chẳng tội gì “phạm luật” trong khi “cơ hội” thực sự… rộng mở để tăng giá.

Với những bất cập, kẽ hở trong “cơ chế”, quản lý giá sữa và bình ổn thị trường đã là một khó khăn nhưng cùng với đó, công tác quản lý kém hiệu quả lại càng làm cho khó khăn này khó khăn hơn.

Để quản lý giá và bình ổn thị trường sữa một cách hiệu quả, trước hết những bất cập ấy cần phải thay đổi, cụ thể sữa nhất thiết phải trở thành mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý vì đây là mặt hàng dinh dưỡng thiết yếu liên quan trực tiếp đến trẻ em; Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính… phối hợp chặt chẽ, nhất là trong việc “định nghĩa” lại thế nào là sữa để trên cơ sở đó với chuyên môn của mỗi bộ, ngành sẽ làm tốt công tác quản lý; Rà soát lại các loại chi phí cấu thành giá để xem khâu nào khiến giá sữa đội lên cao một cách bất hợp lý thì phải “cắt” chi phí ấy… Có như vậy mới mong người tiêu dùng thoát khỏi cảnh trở thành nạn nhân của việc “làm” giá.

Theo NB&CL

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang