Quản lý thuốc nhập khẩu: Bịt đầu này, hổng đầu kia

author 09:19 07/09/2013

(VietQ.vn) - Việc một loạt thuốc nhập khẩu vào VN (đặc biệt là thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ) vừa bị thu hồi vì vi phạm chất lượng đang dóng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thuốc ngoại...

Trong 4 công văn mới nhất về đình chỉ lưu hành thuốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý Dược thì có đến 3 công văn liên quan đến thuốc có xuất xứ Ấn Độ (gồm thuốc Cetirizine Hydrocholoride 10mg, thuốc LODIPINE-C (Amlodipine Besylate Tablets) 5mg và thuốc Paracetamol Infusion 10mg/ml).

Loại còn lại bị thu hồi là thuốc viên nén bao phim Daehwa Albendazole 400mg, SĐK: VN-8648-09, Lô SX: 2018; Hạn dùng: 29/08/2015 do Cty Daehwa Pharmaceuticals, Hàn Quốc sản xuất, Cty TNHH MTV dược phẩm TW3 nhập khẩu.

Có nhiều loại thuốc kém chất lượng bị thu hồi. Ảnh minh họa<br>
Có nhiều loại thuốc kém chất lượng bị thu hồi. Ảnh minh họa

Trước đó (từ 8/7-24/7) có 4 loại thuốc khác bị đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì có 2 loại xuất xứ Ấn Độ, 1 loại xuất xứ Mỹ và 1 loại xuất xứ Hàn Quốc. Tỷ lệ thuốc nhập khẩu bị đình chỉ lưu hành cũng ngày càng gia tăng, trong đó đáng chú ý là thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ. Cụ thể: Trong tổng số 17 thuốc bị thu hồi từ đầu năm 2013 đến nay thì thuốc nhập khẩu chiếm áp đảo với 12 loại (trong đó thuốc Ấn Độ có tới 8 loại). Năm 2012, trong số 47 thuốc vi phạm chất lượng, có 22 loại thuốc xuất xứ từ Ấn Độ.

Điều đáng nói là, trong khi thuốc có xuất xứ Ấn Độ gặp nhiều vấn đề về chất lượng và bị thu hồi không ít loại thì điều đáng lo ngại là thuốc Ấn Độ đang ồ ạt tràn vào các bệnh viện (và trên cả thị trường dược tự do ở VN). Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, kết quả đấu thầu thuốc của 9 tỉnh thành đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo quy chế mới cho thấy Ấn Độ dẫn đầu danh sách các quốc gia cung cấp thuốc ngoại cho các bệnh viện ở VN. Thuốc có xuất xứ Trung Quốc cũng nằm trong top 5 các nhà cung cấp thuốc vào bệnh viện VN với mức giá thấp hơn nhiều so với thuốc có xuất xứ từ các khu vực khác.

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, có hiệu lực từ tháng 6/2012 lần đầu tiên được áp dụng có các tiêu chí ưu tiên về giá thuốc, theo đó thuốc giá rẻ có cơ hội trúng thầu cao. Điều đó lý giải tại sao, chưa bao giờ thuốc giá rẻ, có hàm lượng lạ lại “đường hoàng” trúng thầu vào các bệnh viện nhiều như thời điểm này.

Tại phiên mở thầu các gói thầu cung ứng thuốc vào bệnh viện Việt Đức ngày 3/9, ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, nếu chỉ dùng thuốc giá rẻ thì khó tốt, có khi hại thêm người bệnh vì ngày điều trị kéo dài, hoặc gây tai biến vì thuốc kém hiệu quả. Vì vậy, theo ông Quyết, cần chọn thuốc có chất lượng cao giá hợp lý để đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh. Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, bác sĩ cần kê đơn theo tình trạng bệnh, đúng quy chế chuyên môn, không phải chỉ chọn thuốc giá rẻ. Rõ ràng, thuốc là một loại mặt hàng đặc biệt, chỉ cần một sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, thậm chí dẫn đến tử vong, do đó, nên có tiêu chí chấm thầu riêng. Mặt khác, bệnh viện không phải DN để phải ưu tiên mặt hàng giá rẻ mà quan trọng hơn là cần chịu trách nhiệm trước tính mạng của bệnh nhân.

Được biết, Thông tư liên tịch trên còn hướng dẫn đấu thầu mua thuốc tập trung và coi đây là một trong những biện pháp khắc phục tình trạng bát nháo giá thuốc, bảo vệ quyền lợi người bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định mới này lại thành: quản đầu này nhưng lại hổng đầu kia…

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang