An toàn bảo mật thông tin - điều kiện tiên quyết triển khai thành công Chính phủ điện tử

author 20:14 26/09/2019

(VietQ.vn) - Ngày 26/9, Ban cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội thảo về mật mã dân sự năm 2019 với chủ đề "Quản lý và ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phục vụ Chính phủ điện tử".

Trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai Chính phủ điện tử luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng, xác định là xu thế tất yếu, nâng cao tính minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là một khâu then chốt.

Nhà nước thực hiện quản lý mật mã dân sự (MMDS) nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm MMDS. Đặc biệt, MMDS đóng vai trò vô cùng quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử.

Tại Hội thảo, ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay việc triển khai ứng dụng điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu, là công trình phổ biến của nhiều quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng Chính phủ điện tử nhằm mục tiêu minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động Chính phủ, góp phần giảm tải tiêu cực, thúc đẩy tăng cường kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong đó, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin là vấn đề xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai thành công Chính phủ điện tử. 

Ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ.

Liên quan tới công tác quản lý MMDS và vai trò của mật mã dân sự trong đảm bảo an toàn bảo mật thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, đại diện Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin khẳng định, mật mã dân sự đóng vai trò quan trọng trong hoạt động an ninh quốc phòng và kinh tế - xã hội. Quản lý MMDS phải chặt chẽ để tránh lạm dụng mật mã ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngăn ngừa sử dụng sản phẩm MMDS để bảo mật thông tin bí mật nhà nước và sử dụng sản phẩm mật mã vào lĩnh vực kinh tế, dân sự. Đối với quản lý mật mã dân sự, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ cần xây dựng văn bản QPPL về quản lý MMDS; Cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS; Ban hành dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các sản phẩm MMDS; Quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ MMDS; kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; Xây dựng Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS phải cấp phép kinh doanh, danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép.

Có thể thấy, MMDS đóng vai trò thiết yếu để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an ninh thông tin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm MMDS gắn liền với quản lý nhà nước về MMDS, gắn liền với các mục tiêu và giải pháp về xây dựng Chính phủ điện tử, xu thế phát triển của khoa học - công nghệ bảo mật tiên tiến trên thế giới và đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về quản lý MMDS. 

Ban cơ yếu Chính phủ là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về MMDS. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về MMDS đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, tuân theo quy định của pháp luật; được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và sử dụng sản phẩm dịch vụ MMDS, đồng thời các hoạt động MMDS được kiểm soát, góp phần quan trọng vào đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, về việc triển khai chữ ký số phục vụ cải cách hành chính, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích hợp chữ ký số vào các hệ thống điều hành tác nghiệp, hiện có 84/95 đầu mối (88%), việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ rất cao, giảm thời gian xử lý văn bản, chi phí văn phòng phẩm, tăng năng suất xử lý công việc, ứng dụng thiết bị di động, thực hiện công việc mọi lúc mọi nơi.

Đối với cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, lấy người dùng (người dân, doanh nghiệp) làm trung tâm phục vụ. Hệ thống Cổng DVC trực tuyến, một cửa giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện, các dữ liệu công dân được số hóa, quản lý chung, khai báo một lần; minh bạch hiệu quả trong xử lý dịch vụ, không gây phiên hà.

Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhà nước về quản lý MMDS, góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý MMDS. Đây cũng là diễn đàn để cơ quan quản lý nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng trao đổi, thảo luận.

Toàn cảnh Hội thảo.

 Trương Vân

Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, tăng mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc triển khai Chính phủ điện tử góp phần tăng độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang