Quản lý vỉa hè, lòng đường: Rất nhiều bất cập

author 15:07 11/06/2012

(VietQ.vn) - Hàng loạt vỉa hè ở các tuyến phố được trưng dụng để bày bán các loại sản phẩm. Hàng quán dựng lên như nấm, vỉa hè vô hình dung trở thành chỗ kinh doanh, kiếm lợi của vô số người. Việc quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu giám sát của cơ quan chức năng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Xung quanh vấn đề quản lý vỉa hè ở các thành phố hiện nay, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc phân cấp quản lý ở các ban ngành. Trước đó, Chất lượng Việt Nam cũng đã có bài viết phản ánh tình trạng lộn xộn ở vỉa hè trên các tuyến phố nội thành Hà Nội. 

Thưa ông, đâu là lý do chính để Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra các đơn vị chuyên quản lý, cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường lần này?

Sử dụng lòng đường, hè phố là vấn đề nhạy cảm, cũng là vấn đề rất khó trong ban hành văn bản sao cho phù hợp, khó tổ chức thực hiện, khó làm sao đảm bảo giữa nhu cầu của nhân dân và quản lý của Nhà nước.
 
Sử dụng lòng đường, vỉa hè liên quan đến nhiều vấn đề: trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND, các sở giao thông vận tải, xây dựng; các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng gồm việc trông giữ phương tiện, dùng để kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng…
Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT
Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT
 
Đoàn đã tiến hành thanh, kiểm tra trên nhiều mặt, ở cả 3 nhóm đối tượng: nhóm quản lý và tham mưu giúp việc cho UBND thành phố về công tác ban hành văn bản, cấp giấy phép, quy hoạch; nhóm tổ chức thực hiện các chỉ đạo, các văn bản của thành phố, quận, phường; nhóm các doanh nghiệp trực tiếp khai thác lòng đường, vỉa hè.
 
Mục đích thanh tra là đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của đô thị, chỉ ra những việc làm tích cực để tiếp tục phát huy, đồng thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố theo quy định.
 
Ông đánh giá thế nào về đợt thanh tra vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội và TP. HCM thời gian qua?
 
Khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam cho thấy, hiện nay phần lớn các tuyến phố, lòng đường, vỉa hè ở các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Vinh... đều bị trưng dụng làm hàng quán, cửa hàng. Về trách nhiệm quản lý vỉa hè hiện nay, phát biểu trước báo giới mới đây, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, từng khẳng định trách nhiệm trong vấn đề quản lý vỉa hè thuộc về chủ tịch các quận, huyện. 
Qua công tác thanh tra vỉa hè, lòng đường đã nổi lên rất nhiều bất cập từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất; sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch, một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ…
 
Tuy nhiên, sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định. Tất cả thiếu sót, bất cập trong quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vỉa hè sẽ được thanh tra bộ báo cáo trong bản kết luận thanh tra sẽ được công bố vào giữa tháng 6 để cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.
Có trường hợp các sở ban hành một cách vội vã các văn bản quy định về sử dụng lòng đường, hè phố dẫn đến chồng chéo, làm các đơn vị cơ sở lúng túng, hiểu sai mục đích, buông lỏng quản lý?
 
Cả hai thành phố đều quan tâm và mất nhiều công sức trong việc này, song kết quả chưa được như mong muốn. Hiện tượng lấn chiếm còn nhiều vì bất cập về hệ thống văn bản. Ví như việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các sở của hai thành phố đều giống nhau ở chỗ chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí còn chồng chéo, chưa đúng chuẩn.
 
Việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của hai thành phố chưa xuyên suốt, nhất quán trong từng thời ký, manh mún ở từng việc. Ví như việc trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, thời điểm sau cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ phương tiện… thay đổi liên tục làm cho thói quen sử dụng lòng đường, hè phố không thành nếp. 
Vỉa hè ở Hà Nội bị trưng dụng làm chỗ bán trà đá
Vỉa hè ở Hà Nội bị trưng dụng làm chỗ bán trà đá, gửi xe
 
Hoặc ở TP.HCM, lúc thì tuyến đường giao cho sở quản lý cả đường cả hè, có tuyến đường lại giao cho quận quản lý hè, sở giao thông quản lý lòng đường. Có nơi lòng đường, vỉa hè lại giao cho sở xây dựng quản lý…
 
Cụ thể, tại Hà Nội, thời gian trước năm 2008 giao cho sở giao thông cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè, cả vấn đề duy tu bảo dưỡng trên các tuyến đường có tên. Đến sau năm 2008 thì giao cho sở quản lý đường, quận quản lý hè và cấp phép trên hè. Đến cuối 2011 đầu 2012 lại giao cho sở giao thông quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao. 
 
Như vậy, trên một quận, tuyến này sở quản lý đường, tuyến kia quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép… Văn bản của cả hai thành phố thiếu nhất quán, xuyên suốt. 
 
Phải chăng đơn vị trực tiếp quản lý và xử lý vi phạm vỉa hè ở các cấp vẫn chưa làm đúng thẩm quyền và chức trách nhiệm vụ được giao?
 
Xử lý vi phạm lòng đường, hè phố được giao cho UBND các cấp, cảnh sát, thanh tra giao thông và thanh tra xây dựng. Ở Hà Nội, vi phạm lòng lề đường chủ yếu do thanh tra và cảnh sát xử lý, trong khi lực lượng thanh tra xây dựng gần như không làm. Riêng UBND quận, huyện, phường không có lực lượng tham mưu chuyên thiết lập hồ sơ tuần tra kiểm soát vi phạm, nên chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào.
 
Đối với TP.HCM, lực lượng các cấp xử phạt rất mạnh tay. Chẳng hạn, lực lượng thanh tra xây dựng được sử dụng mạnh mẽ để tham mưu, lập hồ sơ báo cáo chủ tịch UBND phường, quận ký quyết định xử phạt. Nhưng đáng bàn ở đây: thanh tra xây dựng lập hồ sơ vi phạm dừng đỗ xe là sai thẩm quyền.
 
Hơn nữa, cấp cơ sở quận, phường không có chánh thanh tra xây dựng, vốn là người quyết định ký biên bản xử phạt. Vì lẽ đó, không nên quy định thanh tra xây dựng ở phường, quận mà nên trả lại tên cũ cho lực lượng này thành đội quản lý trật tự đô thị.
 
Vậy ông có kiến nghị gì để có thể xử lý các vi phạm, cũng như có sự thống nhất trong quy hoạch, cấp phép, quản lý vỉa hè lòng đường?
 
Chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể, cũng như sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan đến vỉa hè, lòng đường do không phù hợp với thời điểm này.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Lan Anh - Mai Tuân (thực hiện)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang