Quan niệm sai lầm khi chăm trẻ bị sởi

author 06:03 19/04/2014

Tình hình bệnh sởi đang hoành hành khiến rất nhiều bà mẹ hoang mang, lo lắng. Các phụ huynh bối rối, lúng túng không biết sẽ phải chăm sóc thế nào nhỡ con chẳng may bị sởi.

Sự kiện: Cách phòng chống và điều trị bệnh Sởi

Bà bảo phải…kiêng

Chị Trần Thị Nga, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM đưa con tới khám sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bé gái nhà chị Nga được 3 tuổi. Khi nghe bác sĩ nói, chị Nga mới té ngửa vì từ khi bé mắc bệnh tới nay chị đã chăm sóc con hoàn toàn sai cách.

Chị Nga kể: “Bà nội bảo phải kiêng nước, kiêng gió. Chính vì thế mình có dám tắm cho bé đâu. Hôm nay đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da do vệ sinh kém. Mình đâu biết khi bị bệnh vẫn có thể lau rửa nước ấm, vệ sinh bình thường”.

Bệnh nhi sởi sức đề kháng kém nên cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, đúng đắn.

Tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Hoàng Thị Hải ngụ tại Biên Hòa – Đồng Nai cũng vừa bế con 4 tuổi bị sởi tới khám dinh dưỡng.

Theo chị Hải, bác sĩ nói con chị bị suy dinh dưỡng nặng do chế độ dinh dưỡng kém, nếu không vực kịp thể trạng có nguy cơ sẽ biến chứng kéo dài, viêm phổi…

“Bé nhà tôi bị sởi lại kèm theo tiêu chảy. Tôi lo bụng con yếu nên không dám cho ăn gì, chỉ ăn cháo trắng với muối hoặc đường cho… lành. Ngờ đâu lo cho con, thương con mà thành ra hại con”, chị Hải mếu máo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhấn mạnh nguy cơ sởi biến chứng gây tử vong cao ở những trẻ dinh dưỡng kém hoặc có kèm bệnh nền.

Qua đó, cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh sởi vô cùng quan trọng, không nên nghe theo kinh nghiệm dân gian kiêng khem gió, nước.

Bệnh nhi khi bị bệnh phải cách ly, tránh ra đường kẻo dễ bội nhiễm vết thương hoặc lây lan cho người khác. Tuy nhiên phòng ở của trẻ phải mở cửa sổ cho thông thoáng, nhất là trong điều kiện thời tiết tại TP.HCM đang vô cùng oi bức.

Phụ huynh cũng lưu ý tuyệt đối không kiêng tắm trẻ, sẽ làm nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng da tăng cao, phải thường xuyên vệ sinh thân thể bệnh nhi sạch sẽ.

Dù vậy, cha mẹ chỉ cần tắm trẻ bằng xà bông sát khuẩn hằng ngày là được, không dùng các loại lá, dễ làm da bị nhiễm trùng.

Bổ sung thức ăn giàu vitamin và protein

Liên quan tới dinh dưỡng cho bệnh nhi bị sởi, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có một vài lưu ý.

Bệnh nhi sởi sức đề kháng kém nên cần ăn những nhóm thức ăn giúp tăng cường đề kháng như vitamin A, C, D (vitamin A có nhiều trong cà rốt, cà chua, đu đủ và rau màu xanh sậm, vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam chanh, vitamin D có nhiều trong các chế phẩm từ sữa).

Ngoài ra, có một điều rất quan trọng không phải ai cũng biết. Cơ thể bệnh nhi sởi bị virus tấn công làm tổn thương nên muốn hồi phục cần phải tái tạo mô.

Protein đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tái tạo mô của trẻ. Vì vậy phụ huynh hãy từ bỏ suy nghĩ bắt trẻ ăn kiêng. Thay vào đó cho trẻ ăn thật nhiều các chất bổ sung đạm như thịt, cá, trứng sữa.

Một thực phẩm có hàm lượng protein rất cao, tương đương với trứng và sữa có thể dùng thay thế qua lại, bổ sung thêm cho bữa ăn của trẻ đó chính là đậu nành. Ngoài việc giúp bổ sung tốt protein cho cơ thể, đậu nành cũng còn có hiệu quả trong cả việc phòng ngừa ung thư, tốt cho da.

“Trẻ đang bị sởi, khả năng ăn của bệnh nhi kém hơn bình thường trong khi nhu cầu cơ thể lại cao. Do đó phụ huynh hãy chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn những thứ mềm, nước dễ nuốt, bởi lúc này cổ họng trẻ thường rất đau. Nên cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, giúp cơ thể đào thải đàm, nhớt dễ dàng hơn”, bác sĩ Hậu nói.

Bệnh sởi đang diễn biến khá phức tạp, đã có 8521 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi ở 61 tỉnh, thành trong cả nước. Tới giờ phút này có 112 trường hợp đã tử vong do liên quan tới sởi. TP. Hà Nội và TP.HCM là hai nơi có số ca bệnh sởi cao nhất cả nước.

Theo VNN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang