Quảng Bình: Cơ giới hóa nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp

author 14:16 10/06/2015

(VietQ.vn) - Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đưa năng suất, sản lượng cây lúa và các loại cây trồng tăng mạnh và bền vững.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong những năm gần đây, nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu làm đất, thu hoạch và chế biến nông sản, đưa năng suất, sản lượng các loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa tăng mạnh và bền vững.

Ông Võ Đại Chung, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, thực hiện cơ giới hóa là xu thế của quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tập trung. Từ sau khi Quảng Bình bắt tay vào triển khai thực hiện xây dựng NTM, quá trình cơ giới hóa diễn ra càng nhanh chóng nhờ chủ trương hỗ trợ mua máy nông cụ của tỉnh bằng cách hỗ trợ về lãi suất, vốn vay để người dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh  đó là hàng loạt các điều kiện thuận lợi khác như việc triển khai thí điểm chương trình dồn điền đổi thửa giúp khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán hình thành các mảnh lớn liền kề rất thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất; hệ thống bờ vùng, bờ thửa từng bước được củng cố, đắp mới bảo đảm đủ rộng cho các loại máy đi lại dễ dàng. Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, ba khâu mất nhiều thời gian và công sức trong nghề trồng lúa là làm đất, thu hoạch và vận chuyển đã được cơ giới hóa với kết quả khá cao, tỷ lệ tương ứng là 90%, 60% và 65%.

Riêng một số xã có HTX dịch vụ nông nghiệp tại Lệ Thủy và Quảng Ninh đạt tỷ lệ 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển đã có máy móc làm thay. Ðiều đó cho thấy, HTX dịch vụ nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, tỉ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi ở các khâu cung cấp nước uống, vệ sinh chuồng trại cho lợn đạt trên 70%.

Việc đẩy nhanh cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ gắn kết mùa vụ, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc cao điểm về thời vụ đang diễn ra khá phổ biến ở nông thôn các địa phương hiện nay.

Càng ngày vị trí “đầu cơ nghiệp” của con trâu ở các vùng trọng điểm lúa của tỉnh như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch… không còn như những năm trước. Sức cày kéo, vận chuyển thủ công giảm đáng kể, thay vào đó là số máy cày, máy làm đất, xe vận tải nhỏ tăng nhanh, với các dịch vụ này, các địa phương không chỉ giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực mà còn rút ngắn thời gian thu hoạch, giúp bà con tranh thủ được thời tiết để phơi lúa ngay trong ngày.

Theo tính toán của người nông dân, mỗi sào ruộng thuê làm đất và gặt bằng máy là hai khâu nặng nhọc nhất, chỉ mất khoảng 250.000 đồng lại nhanh, gọn, vụ mùa không kéo dài như cày trâu và gặt bằng tay trước đây, rút ngắn được thời gian làm ruộng. Ngoài ra trong khâu thu hoạch nếu thực hiện thủ công sẽ không đảm bảo chất lượng hạt gạo và khó đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ chất lượng cao. Điều  này ảnh hưởng đến giá bán, thu nhập của người trồng lúa, thương hiệu hạt gạo vì thế cũng bị giảm đi, trong khi thu hoạch bằng máy giúp giảm từ 10-12% tỉ lệ thất thoát lúa, nông dân sẽ lãi nhiều hơn.

Cơ giới hóa nông nghiệp Quảng Bình

Cơ giới hóa nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp tại Quảng Bình

Huyện Quảng Ninh là địa phương có tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp khá cao với 85% khâu làm đất và gần 90% diện tích thu hoạch được thực hiện bằng cơ giới hóa. Chúng tôi đến xã Duy Ninh, một trong những xã đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất của huyện để tìm hiểu vấn đề này. Ông Lê Văn Thuyết - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 12 máy cày lồng, 17 máy chuyên lồng và 6 máy gặt đập liên hợp với tổng giá trị gần 2 tỉ đồng.

Đến nay, hơn 95% diện tích lúa (393,13 ha) của xã được thu hoạch bằng máy gặt đập. Theo tính toán của nông dân, nếu gặt thủ công một sào lúa phải mất một ngày ròng với hai lao động, chi phí từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng, trong khi thuê máy gặt đập chỉ với giá 100 nghìn đồng/sào và khoảng 10 phút là đã có lúa hạt chở về nhà.

Đồng hành cùng bà con nông dân các địa phương thực hiện xây dựng NTM, trong thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn các các chương trình, dự án, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cùng các đơn vị trong ngành đã thực hiện 15 mô hình trình diễn máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa…, tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức cơ giới hóa, hỗ trợ kinh phí cho nông dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch và các địa phương khác mua trên 12 máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy làm đất loại nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình được thể hiện rất rõ nhưng so yêu cầu của sản xuất thì vẫn còn khiêm tốn, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp còn thấp, chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Một số khâu như gieo, cấy, sấy, phân loại và làm sạch lúa... tỷ lệ cơ giới hóa thấp, vẫn còn làm thủ công nhiều.

Với những hiệu quả bước đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên phạm vi toàn tỉnh.

Mặt khác, việc định hướng đầu tư, phát triển cơ giới hóa phải đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng vật nuôi đến bảo quản chế biến sản phẩm. Thực hiện tốt quá trình này sẽ tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tăng thu nhập cho nông dân, giảm công lao động, giúp cho lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, đưa nông thôn tiến lên hiện đại hóa.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang