Xử phạt hàng loạt sai phạm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Quảng Ngãi

author 15:25 14/04/2017

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng chức năng của Sở đã phát hiện và xử lý hàng loạt các sai phạm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Xử phạt 44 tổ chức và cá nhân sai phạm

Trong năm 2016, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì triển khai 12 cuộc thanh tra đối với 216 cơ sở trên địa bàn do Sở quản lý. Kết quả thanh tra đã phát hiện 44 tổ chức và cá nhân vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số số tiền phạt 296 triệu đồng.

Cụ thể, hoạt động thanh tra tập trung vào các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu công nghiệp đối với các mặt hàng như: kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn, xăng dầu.

Thanh kiểm tra chất lượng và phương tiện đo xăng dầu ở Quảng Ngãi.

Thanh kiểm tra chất lượng và phương tiện đo xăng dầu ở Quảng Ngãi. Ảnh: SKHCN Quảng Ngãi

Kết quả thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 44 tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm (chiếm trên 20% tổng số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 296 triệu đồng. Hành vi vi phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra như: vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng; vi phạm về chất lượng trong kinh doanh hàng đóng gói sẵn; vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu; vi phạm về sở hữu công nghiệp, an toàn bức xạ hạt nhân; cân hết hạn kiểm định, nhãn hàng hóa ghi không đầy đủ thông tin; sử dụng giấy chứng nhận kiểm định hết hạn; không có dấu kiểm định theo quy định.

Trong dịp tết Nguyên đán 2017, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 1 cuộc thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và sở hữu công nghiệp trên địa bàn.

Thanh tra diễn ra tại 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng điện, điện tử, các mặt hàng đóng gói sẵn như bánh, kẹo, mứt, nước giải khát,... Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa đều được công bố tiêu chuẩn cơ sở, được chứng nhận hợp quy theo quy định; nhãn hàng hóa được ghi đầy đủ thông tin, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra các thông tin về sản phẩm. Không phát hiện sai phạm về sở hữu công nghiệp.

Các hành vi gian lận về đo lường không nhiều và có xu hướng giảm. Đoàn thanh tra đã thực hiện giám định đo lường đối với 15 lô hàng, gồm: 4 lô bánh quy, 4 lô bò khô, 4 lô thực phẩm bổ sung, 01 lô hạt dẻ, 01 lô đường kính, 01 lô cà phê. Kết quả: chỉ có 1 lô không đạt yêu cầu về định lượng hàng đóng gói sẵn (mẫu bánh quy), tuy nhiên mức độ sai lệch là rất nhỏ.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra cũng đã lấy 12 mẫu hàng hóa (3 mẫu dây điện, 1 mẫu nước mắm, 01 mẫu rượu, 2 mẫu cà phê, 2 mẫu dầu ăn, 3 mẫu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng) để giám định chất lượng.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 200 cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong đó có 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn gồm:

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi (33 cửa hàng),

Công ty cổ phần Xăng dầu Thương mại Sông Trà (15 cửa hàng),

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Dầu khí PVOil Miền Trung (10 cửa hàng),

DNTN Thương mại - Vận tải Đại Thành (12 cửa hàng),

Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Vạn Lợi (3 cửa hàng);

và khoảng 110 doanh nghiệp kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ.

Mạng lưới phân phối đã phủ kín các địa bàn, kể cả vùng sâu, vùng xa góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Hầu hết các cửa hàng xăng dầu đang kinh doanh các loại xăng RON 95, xăng E5 RON 92, dầu diêzen 0,05S và dầu hỏa; có khoảng 30 cơ sở chuyên kinh doanh dầu diêzen, tập trung chủ yếu ở khu vực miền biển.

Nguồn xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, được các doanh nghiệp lớn mua vào và cung cấp trực tiếp đến các cửa hàng xăng dầu trực thuộc hoặc phân phối trung gian đến các doanh nghiệp đại lý.

Nhằm phát huy vai trò cũng như nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Trong năm 2016, đã tổ chức 4 đợt thanh, kiểm tra tại 94 cơ sở, kết quả như sau:

Về công tác quản lý tiêu chuẩn: Các công ty lớn là đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã có ý thức chấp hành tốt việc thực hiện công bố Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng và kiểm tra chất lượng trong sản xuất, công bố phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 01:2015/BKHCN. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thực tế tại cơ sở, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn chưa lưu giữ tiêu chuẩn công bố áp dụng. Ngoài ra, còn điểm tồn tại ở tất cả các cơ sở là chưa xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 theo quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về công tác quản lý đo lường: Đa số các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc kiểm định phương tiện đo và Giấy chứng nhận kiểm định còn trong thời hạn hiệu lực; các cột đo đã được niêm phong kẹp chì đầy đủ theo quy định tại ĐLVN 10:2013 và hướng dẫn tại Công văn số 1446/TĐC-ĐL của Tổng cục về quản lý đo lường cột đo xăng dầu và còn nguyên vẹn; có trang bị bộ bình đong đối chứng có dung tích 1 lít, 2 lít, 5 lít, 10 lít đã được kiểm định để tự kiểm tra định kỳ phép đo cũng như phục vụ khách hàng khi có yêu cầu; các cột đo có các bộ phận, chi tiết, chức năng phù hợp với phê duyệt mẫu của Tổng cục. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở chưa lưu giữ phê duyệt mẫu của cột đo, hiện tượng gian lận và vi phạm về sai số vượt quá giới hạn cho phép có chiều hướng giảm hẳn so với các năm trước đây.

Về công tác quản lý chất lượng: Đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành lấy 20 mẫu xăng dầu để thử nghiệm chất lượng, kết quả đạt yêu cầu. Có thể thấy rằng, chất lượng xăng dầu hiện nay đã được cải thiện đáng kể, việc kinh doanh xăng dầu đạt chất lượng, đúng chủng loại được nâng lên; thực hiện việc thông báo công khai tên, chủng loại xăng dầu trên cột đo theo đúng quy định. Các cơ sở đã thực hiện việc lưu mẫu mỗi khi nhập xăng dầu vào.

Trong quá trình thanh, kiểm tra đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như: Sửa chữa phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo đã được phê duyệt; sử dụng chứng chỉ kiểm định phương tiện đo đã hết hiệu lực; không đảm bảo điều kiện để người có thẩm quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa… Các đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính nói trên với số tiền 60 triệu đồng.

Cơ sở kinh doanh vàng, trang sức thực hiện nghiêm việc công bố tiêu chuẩn

Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 quy định quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (sau đây gọi tắt là Thông tư 22/2013/TT-BKHCN), thông tư có hiệu lực từ ngày 01/6/2014. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thanh tra chuyên đề về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ ở Quảng Ngãi. Ảnh: SKHCN Quảng Ngãi

 Thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ ở Quảng Ngãi. Ảnh: SKHCN Quảng Ngãi

Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 275 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được kiểm tra chỉ sản xuất sản phẩm nhẫn vàng trơn, một vài cơ sở lớn có sản xuất thêm dây chuyền, lách. Nhiều mặt hàng vàng trang sức tinh xảo như dây chuyền, lách, vòng, kiềng, hoa tai… đều được các tiệm vàng lấy từ các cơ sở sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để bán lại. Qua thanh tra tại 56/275 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy: 98% cơ sở được thanh tra đã thực hiện công bố tiêu chuẩn cơ sở theo quy định cho các sản phẩm vàng do cơ sở mình sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ do cơ sở kinh doanh lấy từ các nhà cung cấp ngoài tỉnh để bán lại, đa số có lưu giữ công bố tiêu chuẩn cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa lưu giữ công bố theo quy định, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lượng hàng hóa mua bán ít, chưa quan tâm đến việc yêu cầu cơ sở sản xuất cung cấp để lưu giữ công bố.

Vi phạm về đo lường đã giảm nhiều so với lần thanh tra, kiểm tra trước đó. Hiện nay, phần lớn cơ sở đã trang bị cân và quả cân đúng quy định, cân có phạm vi đo, độ chia kiểm và độ chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo trong giao dịch, tuy nhiên vẫn còn một số cân có giá trị độ chia kiểm không phù hợp với mức cân khối lượng vàng thực tế giao dịch theo quy định của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, một số cân hết hiệu lực kiểm định. Đoàn thanh tra đã thực hiện giám định đo lường đối với 73 mẫu vàng và kết quả có 71/73 mẫu vàng (chiếm 97%) đạt yêu cầu theo quy định; có 2 mẫu vàng khối lượng không đạt yêu cầu nhưng sai số thiếu không nhiều.

Ngoài vi phạm về đo lường, vi phạm về chất lượng vàng (tuổi vàng không đúng với tuổi vàng đã công bố với khách hàng) cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đoàn thanh tra đã thực hiện lấy mẫu và giám định chất lượng vàng của 65 mẫu vàng trang sức lấy tại 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Kết quả thử nghiệm có 55/65 (chiếm 84,6%) mẫu có chất lượng (hàm lượng vàng) phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, còn lại 10/65 (chiếm 15,4 %) mẫu vàng có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Hàm lượng vàng thiếu so với công bố đa số không lớn. Trong đó, sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ được doanh nghiệp lấy từ các cơ sở sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng ít ổn định, đặc biệt các mặt hàng trang sức có hàm lượng vàng từ 61% đến 68% (vàng tây) có 3/12 mẫu không đạt, chiếm 25%; hàm lượng vàng thiếu so với công bố cũng tương đối lớn, từ trên 1% đến 2,6%.

Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng đã thực hiện tốt việc ghi nhãn hàng hóa, có ghi đầy đủ những thông tin bắt buộc như hàm lượng vàng, nhãn hiệu hàng hóa, khối lượng vàng,… Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh không phân biệt được mã ký hiệu và nhãn hiệu hàng hóa, do đó, trên sản phẩm chỉ đóng nhãn hiệu hàng hóa mà không đóng mã ký hiệu sản phẩm.

Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 90 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không công bố tiêu chuẩn cơ sở, sử dụng chứng chỉ kiểm định cân hết hiệu lực, kinh doanh hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, nhãn ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang