Quảng Ninh: Sản xuất tập trung gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp

author 06:14 21/06/2015

(VietQ.vn) - Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã tạo động lực cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn, quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung trên tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và lâm nghiệp. Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã tạo động lực cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời tạo nền tảng cho chương trình xây dựng thương hiệu nông sản cũng như chương trình mỗi xã phường một sản phẩm.

ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp

Mô hình khảo nghiệm giống lúa ĐT37 tại Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh. Ảnh Quế Ninh

Theo đó, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trong trồng trọt đã được quy hoạch và triển khai thực hiện. Trong sản xuất lúa đã hình thành các vùng lúa chất lượng cao tại Đông Triều với 5.500ha, Quảng Yên hơn 5.000ha… Đặc biệt, các vùng cây ăn quả tập trung đã tăng nhanh về diện tích và sản lượng với hơn 3.900ha với các loại cây trồng chính như: Nhãn, vải, na, cam Canh, bưởi Diễn...

Riêng diện tích vải chín sớm đạt hơn 400ha cho năng suất hơn 29 tạ/ha, sản lượng năm 2014 đạt 11.431,8. Cây na dai với diện tích hiện có 1.216,5ha, tập trung chủ yếu ở Đông Triều với vùng na dai chất lượng cao tại các xã Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Bình Khê với sản lượng hơn 10.760 tấn. Diện tích cây chè trong toàn tỉnh hiện có hơn 1.200ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 1.127,1ha tập trung cho năng suất 67,6 tạ/ha, tăng 12 tạ/ha so với năm 2014. Cùng với đó là các vùng rau, hoa Quảng Yên trên 400ha; Hạ Long 50ha; Hoành Bồ hơn 50ha; vùng trồng cây dong giềng gần 200ha ở Bình Liêu; vùng trồng ba kích ở Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên với diện tích hàng trăm ha…

Trong chăn nuôi, bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung với 26 trang trại quy mô từ 1.000 lợn thịt và lợn nái/1 trang trại trở lên. Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi trồng thuỷ sản luôn đạt trên 20.600ha và gần 8.000 ô, lồng. Diện tích nuôi thuỷ sản theo hướng công nghiệp, nuôi theo quy trình VietGAP ngày một được mở rộng gắn với vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của địa phương, có giá trị kinh tế cao như: Tôm chân trắng, cá rô phi, tu hài, hầu thái bình dương, cá song, cua biển.

Với việc quy hoạch và triển khai thực hiện 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Theo đó, một trong số những giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra, đó là tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn kết với nông dân để đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong đó có những chính sách cụ thể đối với 17 vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang