'Quên lối về' với những đặc sản miền Tây mùa nước nổi

author 21:00 24/09/2016

(VietQ.vn) - Những đặc sản miền tây góp phần làm nên những kỷ niệm đáng nhớ trong tháng 9, tháng 10 khi mùa nước nổi tràn về

1. Lẩu cá linh bông điên điển

Mùa nước nổi, cá từ thượng nguồn sông Mekong xuôi về lên đồng để đẻ, thời điểm này cũng bắt đầu mùa cá linh. Lúc bấy giờ, cá linh nhỏ chỉ bằng đầu đũa, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo.

Để nước dùng của món lẩu được ngọt, người ta ninh xương heo, xương cá nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Bông điên điển mới hái xuống còn tươi rói, cùng với một số loại rau khác, cho vào nồi nước lẩu đang sôi, rồi thưởng thức món ăn dân dã mà đáng nhớ của miền Tây.

 

 

Thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển. Lẩu cá linh có thể ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng, nước mắm mặn pha ớt để chấm cá linh. 

 2. Chuột đồng nướng lu

Được mệnh danh là món đặc sản miền Tây nhưng không phải du khách nào cũng dám thử. Để có được món chuột để nướng lu ngon, phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp míp làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con vào lu. Vừa nhanh tay quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Mở nắp lu, bày chuột ra cùng dưa leo, rau răm, muối ớt. Thịt thơm, mềm và da rất giòn, hương vị đặc trưng miền Tây.

 

 

 3. Cá bống dừa, cá linh kho tiêu

Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi ghé miền Tây mùa nước nổi, phải kể đến món cá bống dừa, cá linh kho tiêu. Vào mùa nước nổi, cá bống dừa, cá linh được bán đầy các chợ và được người dân chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là cá kho tiêu. Cá làm sạch, tẩm ướp gia vị, kho trong tộ hoặc nồi đất, trên lửa liu riu. Món này ăn với cơm trắng, đơn giản mà đậm đà như tình người miền Tây hiếu khách.

 

 
 
4. Bánh xèo bông điên điển

Bánh được làm từ bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh là thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển.

Khi thưởng thức món bánh xèo bông điên điển sẽ cảm nhận được hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, vị chua chua ngọt ngọt bùi bùi của bông điên điển, hòa quyện cùng hương thơm của rau sống, giá, củ sắn cùng nước mắm chua ngọt sẽ mang đến cho người thưởng thức hương vị bánh xèo mới lạ đến khó quên…

 

 
 
 
5. Cá lăng kho khóm

Cá lăng thường xuất hiện vào mùa nước nổi, sống ở tầng đáy môi trường nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long. Khóm ( hay còn gộ là dứa) ) xắt miếng, xào qua với gia vị rồi bỏ ra đĩa. Cá lăng sau khi sơ chế được kho trên chảo phi hành tỏi, gia vị, sôi vài lần trên lửa liu riu, cho khóm vào, khi cá nứt da là chín. 

 

 Vị thơm ngọt của cá lăng hòa lẫn cùng vị chua chua của khóm mang đến cho thực khách hương vị hấp dẫn và khó quên khi đến với sông nước miền Tây.

Trần Huyền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang