Quen ngậm bút bi, bé trai suýt tắc thở vì bị hóc dị vật

author 17:02 11/12/2017

(VietQ.vn) - Thấy con có biểu hiện ho thành cơn, khó thở, bố mẹ bé trai 8 tuổi đã đưa con đến bệnh viện. Khi nội soi, các bác sỹ phát hiện và lấy ra dị vật là một đầu bút bi.

Theo thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, trong khi ngồi học bài, bé trai Trần Văn H. (8 tuổi, ở Lào Cai) ngậm đầu bút bi trong miệng và không may bị sặc, khiến đầu bút rơi vào cơ thể, gây ho sặc sụa. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện tuyến tỉnh kiểm tra. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành nội soi tai mũi họng và nội soi dạ dày nhưng không phát hiện dị vật. Thăm khám thấy tình trạng bé H. ổn định, các bác sĩ cho bé về nhà theo dõi.

Bé H.bị hóc đầu bút bi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương 

Sau đó, cha mẹ vẫn nhận thấy bé H. có biểu hiện ho thành cơn, khó thở nhẹ khi gắng sức nên đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi nội soi phế quản cho bệnh nhi, các bác sĩ đã phát hiện và lấy ra dị vật là một đầu bút bi dài 1,4 cm ở phế quản gốc bên trái của bé H.

Trước đó theo báo Người lao động đăng tải, vào năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết vừa kịp thời cấp cứu thành công bé trai Lê Thành T. (7 tuổi, ngụ Đồng Nai). Trước đó, bé T. được chuyển đến trong tình trạng khó thở, ho dữ dội,… Sau khi chụp CT Scan cổ ngực, các bác sĩ phát hiện dị vật dạng ống nằm trong lòng phế quản thùy dưới bên phải nên đã gấp rút nội soi gắp ra, thông đường thở, cứu bệnh nhi qua cơn nguy kịch. Dị vật được xác định là phần đầu của cây bút bi.

Theo TS. BS. Lê Thanh Chương – Khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em thường có thói quen ngậm thức ăn hoặc nhặt đồ vật nhỏ bỏ vào miệng, người lớn trong khi làm việc đôi khi cũng hay ngậm bút hay các vật dụng nhỏ khác. Vật lạ nằm trong miệng có thể vô tình rơi vào đường thở hay đường tiêu hóa khi nạn nhân đột ngột hít vào mạnh, cười lớn, khóc lớn, cảm thấy ngạc nhiên hoặc sợ hãi…

Trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ trước khi ngủ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe(VietQ.vn) - Các nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy xu hướng sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng trước khi đi ngủ của trẻ em có thể dẫn đến tình trạng ngủ ít hơn, giảm chất lượng giấc ngủ, và chỉ số cơ thể (BMI) cao hơn.

Mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở. Tùy lứa tuổi mà dị vật có thể khác nhau: tuổi nhỏ thường là từ đồ ăn (hạt lạc, hạt hướng dương, hạt đậu, xương, tôm, cọng rau…) hoặc đồ chơi (đinh vít, còi nhỏ, mảnh nhựa…); tuổi học đường thường gặp dị vật từ dụng cụ học tập (đầu bút, lò xo, đinh bấm…); đôi khi dị vật đường thở là dụng cụ y tế như kim tiêm, kim diệt tủy răng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sặc, hóc dị vật là tai nạn nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ngay do ngạt hoặc gây những tình trạng bệnh lý phức tạp như suy hô hấp, tràn khí màng phổi, chảy máu phổi, nôn máu, áp xe trung thất…

Do vậy, trong trường hợp trẻ bị sặc dị vật thì cần tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng các kỹ thuật và phương tiện phù hợp. Sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời…

Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang