Quốc hội chưa thông qua việc tăng thuế môi trường xăng dầu kịch trần

author 16:30 12/07/2018

(VietQ.vn) - Quốc hội chưa thông qua việc tăng thuế môi trường xăng dầu kịch trần vì còn cân nhắc tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Chưa thông qua việc tăng thuế BVMT xăng dầu

Sáng 12/7, phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đã chính thức diễn ra. Tại cuộc họp này, sau khi tổng hợp các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chưa biểu quyết thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Ảnh: Tiền phong

Lý do được đưa ra là còn nhiều ý kiến còn khác nhau quanh việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay. 

"Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng này có thể chúng ta sẽ có thêm vài nhìn tỷ đồng, nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào... Lắng nghe các thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều ý kiến lăn tăn. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Trước ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không biểu quyết và dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và tiếp tục thảo luận ở phiên họp thứ 26 vào tháng 8.

Chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại

Trước đó, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ tăng kịch trần lên 4.000 đồng, dầu lên hỏa lên 2.000 đồng… Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng là 3.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu nhờn 900 đồng/lít… Nếu theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ tháng 7, giá xăng RON 95 (theo mức giá bán lẻ ngày 2.7) từ 21.370 đồng/lít sẽ lên 22.370 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa từ 16.370 đồng/lít sẽ tăng lên 18.070 đồng/lít, dầu nhờn từ 17.510 đồng/lít sẽ lên 18.610 đồng/lít…

Khi đưa ra phương án tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung trình Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra mức dự kiến, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 14.300 tỉ đồng mỗi năm.

Ngoài việc đưa ra tính toán về số tiền ngân sách sẽ thu về được từ tăng thuế bảo vệ môi trường, trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 77 ý kiến tham gia góp ý, có đến 47 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Từ cơ sở đó, Bộ Tài chính cho rằng, toàn dân đã đồng thuận cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu.Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng dự thảo này chưa thực sự hợp lý và thuyết phục.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian qua, người dân chưa thực sự hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu bởi còn băn khoăn về tính minh bạch trong quyết định này của Bộ Tài chính.

“Thường thì các cơ quan Nhà nước không giải trình được việc thu thuế để làm gì. Nếu tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh rõ là tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường như thế nào, môi trường được cải thiện ra sao sau khi tăng thuế.

Hoặc trong trường hợp bí ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng phải làm rõ cho người dân biết được là bao nhiêu phần trăm trong tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường, bao nhiêu để bù các khoản thu thiếu hụt khác. Như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, Nhà nước cũng cần làm rõ việc tăng thuế sẽ đem lại lợi ích cho ai. Bởi trên thực tế, rõ ràng là nhóm các doanh nghiệp xăng dầu được lợi bởi họ là người có công thu hộ Nhà nước khoản tăng thuế.

Liên quan tới vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ông rất chia sẻ với khó khăn và phương án mà Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, phía Bộ cũng cần cân nhắc đến các hệ lụy có thể xảy ra từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch trần.

Theo giải thích của ông Long, khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng lên. Từ đó, giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... cũng theo đà tăng lên làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.

Ông Long cũng lấy ví dụ đơn cử từ trong ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 40% giá cước . Do đó, khi giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải sẽ vì thế mà tăng lên. Chưa kể, nếu giá xăng dầu tăng cao thì việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, ông cho rằng không nên tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.

Bảo Lâm

Thanh Hóa đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì lo xăng dầu Nghi Sơn ế ẩm(VietQ.vn) - Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất, hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn sắp vận hành.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang