Quốc hội sắp quyết miếng cơm, manh áo dân ‘tỉnh lẻ’

author 07:50 20/11/2012

(VietQ.vn) – Ngày mai, 21/11, dự kiến Quốc hội sẽ quyết định có bác bỏ dự luật Thủ đô hay không?

Hà Nội đang có lợi thế khi dự luật Thủ đô tuy đang gây tranh cãi nhưng lại nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đã được Ủy ban này thông qua, cho phép trình Quốc hội kỳ họp này).

Người "tỉnh lẻ" đã và đang làm cho Hà Nội tươi đẹp hơn.
Người "tỉnh lẻ" đã và đang làm cho Hà Nội tươi đẹp hơn.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, người được nhân dân tin yêu vì những bài phát biểu và câu hỏi thẳng thắn cho rằng, trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu một đồng chí trong Thường vụ Quốc hội lên tiếng ủng hộ, thì Hà Nội sẽ càng thêm lợi thế.

Cũng giống như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, báo chí trong nước đưa những cách nhìn không giống nhau về dự luật này. Nhiều báo được bao cấp “sốt sắng” giật các tít như “Cần sớm thông qua luật Thủ đô”, “Thông qua luật Thủ đô là cần thiết”, “Quốc hội nên thông qua luật Thủ đô”, “Ủng hộ thông qua luật Thủ đô tại kỳ họp này”

Trong khi đó, các báo ít được bao cấp đã đưa ra cả ý kiến đồng tình và phản đối: “Không có con chim nào đậu trên những biển cấm”, “Dự luật Thủ đô, hai phản ứng khác nhau”, “Vẫn băn khoăn về luật Thủ đô”, “Lo luật Thủ đô tiếp tục lưu ban”…

Theo khảo sát của Chất lượng Việt Nam, không giống như lời phát biểu của một đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nhiều cử tri của Thủ đô không hề muốn Quốc hội thông qua dự luật lần này.

Nhiều người lo ngại, nếu dự luật được thông qua, con cái của họ sẽ khó xin được học các trường công lập, vì bố mẹ không có hộ khẩu Hà Nội, hoặc sẽ phải “chạy vạy” đủ cửa để có hộ khẩu này.

Mặt khác, cơ quan an ninh, tư pháp sẽ khó xét xử khi cùng một lỗi sai phạm nhưng mắc lỗi ở Hà Nội lại bị “lĩnh án” cao hơn các nơi khác.

Nhiều người còn lo ngại, nếu các tỉnh khác cũng “bắt chước Hà Nội”, cũng lập nên các luật “tỉnh X, tỉnh Y” thì sẽ không đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc.

“Dù một số nước có luật Thủ đô, nhưng Việt Nam là Việt Nam, có cách đi riêng của mình. Nhiều đường lối quan trọng chúng ta có học theo Tây đâu. Việc học theo Tây, mở ra hàng loạt các trường đại học, để rồi bây giờ thất nghiệp tràn lan chả phải là một minh chứng cho điều đó hay sao?” – một cử tri của Hà Nội kiến nghị Quốc hội bác bỏ dự luật Thủ đô lần thứ 2 này.

Trước đó, ngày 29/3/2011, Quốc hội đã “bác” dự luật Thủ đô lần 1 chỉ với 35,9% ý kiến tán thành.

Năm nay, đồng chí Nguyễn Văn Thuận, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội, người được coi là có những phản biện sắc sảo về dự luật Thủ đô đã nghỉ.

Đại Nghĩa – Chí Nhân

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang