Quốc hội và những dấu mốc của ông Nguyễn Sinh Hùng

author 15:09 19/05/2013

(VietQ.vn) – Người con nổi tiếng của quê hương xứ Nghệ đã và đang đem lại nhiều đổi thay cho Quốc hội.

Dòng họ Nguyễn Sinh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất, quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, xứ Nghệ, nơi đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Hồi nhỏ, ông ước ao được học ngành kỹ sư xây dựng. Nhưng đất nước thời đó vẫn phải phân công ngành nghề, để đảm bảo kinh tế kế hoạch và các mục tiêu vĩ mô khác. Thế là chàng thanh niên xứ Nghệ phải chuyển sang học ở ĐH Tài chính – Kế toán Hà Nội.

Năm 26 tuổi, ông vào làm ở Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính. Đến năm 32 tuổi, ông sang Bulgaria, làm nghiên cứu sinh tại ĐH Các Mác, hoàn thành học vị Tiến sĩ.

Khi về nước, ông tiếp tục làm việc ở Bộ Tài chính, với các cương vị như Vụ trưởng vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Chánh Văn phòng, Cục trưởng cục Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng

Từ năm 2006 đến 2011, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Phó Bí thư ban cán sự đảng Chính phủ; đại biểu Quốc hội khóa XII, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Tháng 7/2011, ông được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Lạc quan về tương lai của đất nước

Trong phiên họp Quốc hội ngày 12/6/2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nói về xử lý cán bộ: “Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình, làm trăm việc, mười việc thế nào cũng có cái sai một hai việc, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi, dẹp đi thì bầu không kịp! Hôm nay thấy sai một chút, chỗ này “cách chức đi, kỷ luật đi” ngày mai thấy sai chỗ kia “cách chức đi, kỷ luật đi”… Kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc các đồng chí?”.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là Tiến sĩ kinh tế.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là Tiến sĩ kinh tế.

Rồi trả lời về vấn đề “nàng tiên – tiền đâu?” của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng khẳng định: “Tôi thì yên tâm. Rằng phải làm. Yên tâm rằng Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ tính được bài để làm... Không thể không làm đường sắt cao tốc. Vừa phải làm đường bộ cao tốc, làm đường sắt nâng cấp, làm đường bộ mở rộng 1A, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng đường Hồ Chí Minh, làm đường đê và đường giao thông ven biển, phải làm. Cân đối nguồn lực tính toán để làm…

Nói gọn thế này, năm nay GDP của mình là 106 tỉ USD, năm 2020 gần 300 tỉ USD, năm 2030 gần 700 tỉ USD... Với mức độ tăng trưởng giai đoạn đầu cao khoảng 8%, thời kỳ sau thấp hơn khoảng 7%, thời kỳ phát triển rồi dưới 6%, như vậy ta sẽ có GDP bình quân đầu tư từ 1.000 USD/năm lên gần 3.000 USD, rồi lên gần 6.000 USD, lên 12.000 USD, lên 20.000 USD cho đến năm 2050 là một nước công nghiệp phát triển. Đất nước phải phát triển như vậy. Xây dựng quyết tâm đi như vậy.

Tỉ lệ dư nợ bình quân là 50% GDP, như vậy dư nợ đến năm 2020 có thể lên đến 150 tỉ USD là an toàn, vừa vay vừa trả mỗi năm khoảng 2-3%. Đến năm 2030 thì dư nợ của chúng ta có thể là 350 tỉ USD, vừa vay vừa trả khoảng 3-4% GDP... Còn những vấn đề như tiêu cực, thất thoát, tham nhũng thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội tìm mọi biện pháp... Công việc phải làm thì phải làm. Nhưng không phải ngày mai làm, bây giờ còn tính toán, còn nâng lên đặt xuống rồi báo cáo với Quốc hội”.

Quốc hội với nhiều điểm mới

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đem lại những làn gió mới cho cơ quan đại diện của toàn dân.

Kết thúc phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quan ngại: ‘Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm’.

Trước việc hoàn ứng – tạm ứng dẫn đến nợ xây dựng cơ bản địa phương lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng, ông đã thẳng thắn nói: “Như vậy là điều hành ngân sách kiểu gì, tiền đâu mà tạm ứng hàng đống gây ra nợ và tạo ra mất cân đối, anh lấy tiền đâu mà ứng, ứng thế mà sập quỹ à. Mình làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu thế này có mà chết à?”

Theo ông, lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% như năm 2012 cũng là tốt, nhưng là “tốt quá” nên ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Còn tại phiên họp ngày 15/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp, đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi đề nghị quy định phải chín muồi thì mới nên đưa vào, những dự án chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào thì chưa đưa vào. Như vừa rồi ban hành nghị định về Chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, dân người ta bức xúc, bây giờ bảo phải dừng lại, Chính phủ lại đề xuất cái Luật căn cước. Căn cước là cái gì, chắc là chứng minh nhân dân chứ còn gì nữa, sao lắm tên gọi thế, lại còn thêm Luật hộ tịch nữa, bao nhiêu loại giấy tờ. Tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi... Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy”.

Đặc biệt, khi họp về sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, khi Bộ Tài chính lo lắng giảm thuế dẫn đến giảm thu thì Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã làm người dân “mát lòng mát dạ” khi phân tích sắc sảo: “Cơ quan soạn thảo mới tính giảm thuế 1% thì giảm thu 6.000 tỷ đồng, nhưng chưa tính có thêm bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn được sẽ đóng thuế thêm. Nếu là Bộ trưởng Tài chính, tôi sẽ cho giảm ngay xuống mức 20%”.

Hôm nay, 20/5/2013, Quốc hội sẽ bắt đầu một kỳ họp mới, trong đó, lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm các các vị trí lãnh đạo cấp cao và công khai kết quả đó trước cử tri.

Vì thế, người dân cả nước gửi gắm niềm tin tưởng, Quốc hội dưới sự điều hành của vị Chủ tịch quê xứ Nghệ, sẽ nêu cao tinh thần dũng cảm, trung thực, giám sát các cơ quan thực thi đến cùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang