Vì sao Thứ trưởng Công thương mong không cần quỹ bình ổn xăng dầu?

author 07:10 04/06/2017

(VietQ.vn) - "Bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83 và tác dụng của nó trong thời điểm hiện nay là phù hợp", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Hiện tại, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phù hợp

Chiều 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, thông tin về những vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một số nội dung phóng viên quan tâm về tính lại giá giá điện và quỹ bình ổn xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời một số nội dung báo chí và dư luận quan tâm. Ảnh Viết Cường

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, mặt hàng điện và xăng dầu có vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng là đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác, không những vậy nó còn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và kể cả đời sống của người tiêu dùng, của tất cả mọi người dân.

Thứ trưởng Hải cho rằng bất cứ một sự thay đổi nào, đặc biệt là tăng giá, cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đối với thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, nếu Tập đoàn Điện lực (EVN) đề xuất về vấn đề tăng giá điện thì Bộ Công Thương cần phải phối hợp với Bộ Tài chính cũng như một số đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng và nếu vượt thẩm quyền của mình thì phải trình Thủ tướng Chính phủ.

“Năm 2017, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là so với năm 2016. Chính vì vậy, đến giờ phút này, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã chỉ đạo là trước mắt chưa xem xét việc tăng giá điện. Nếu có đề xuất về tăng giá điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng và đánh giá tác động về sự tăng giá của mặt hàng này đối với tất cả các mặt hàng khác của nền kinh tế, cũng như sự tăng trưởng GDP, rồi CPI. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định chưa xem xét có tăng giá điện hay không”, Thứ trưởng Hải quả quyết.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, giống như giá điện, mặt hàng xăng dầu cũng là một trong những mặt hàng hiện nay đưa dần tới sự phát triển theo quy luật của thị trường. Theo ông Hải, quy luật thị trường thể hiện ở hai vấn đề: Công khai minh bạch và nguồn cung về xăng dầu phải nhiều.

“Như chúng ta đã biết, trước kia nếu nói đến xăng dầu sẽ nghĩ ngay đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nhưng hiện nay đã có gần 28 đầu mối được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam và cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo Thông tư 84, được đánh giá là có nhiều nguồn cung và công khai, minh bạch. 15 ngày một lần chúng ta xét giá xăng dầu dựa trên công thức đã được tính toán giữa thuế, phí và giá trung bình 15 ngày theo giá của thị trường mặt sàn tại Singapore”, Thứ trưởng Hải nói.

Liên quan đến Quỹ bình ổn về xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Theo Nghị định 83, mục đích của Quỹ bình ổn xăng dầu là để khi có sự tăng giá đột ngột ở nước ngoài, chúng ta tránh được những cú sốc cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

“Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi thấy rằng, với sự điều hành Quỹ bình ổn này, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt. Và đặc biệt, vào những dịp như trước Tết chẳng hạn, nếu xăng dầu tăng theo đúng công thức 15 ngày một lần có thể sẽ gây rất nhiều biến động với những mặt hàng khác. Còn rất nhiều dịp ở Việt Nam, vẫn có tâm lý nếu mặt hàng xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng khác. Với những người lao động, người tiêu thụ bình thường, việc tăng giá đột ngột sẽ có sự ảnh hưởng, kể cả đến sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Hải cho biết thêm: "Hiện nay, quỹ bình ổn xăng dầu sẽ được tiếp tục xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83 và tác dụng của nó trong thời điểm hiện nay là phù hợp".

Nâng phí xăng dầu để bảo vệ môi trường

Cũng tại buổi họp báo phóng viên có đặt câu hỏi tới Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: “Vừa qua, Bộ Tài chính có đề xuất nâng khung thuế, phí Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Tài chính có nói đã tính đến phù hợp lợi ích quốc gia, vậy Bộ Tài chính có tính đến thiệt thòi của nhóm doanh nghiệp trung bình, giảm việc tiêu thụ hàng hoá, cũng như xin làm rõ hơn việc tăng thuế phí phù hợp lợi ích quốc gia thế nào?”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Ảnh Viết Cường

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cho biết: Cơ chế chính sách thuế Bảo vệ môi trường là cái khung do Quốc hội ban hành còn mức cụ thể do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

“Hiện nay, khung từ 1.000-4.000 đồng/lít. Chúng tôi dự kiến báo Chính phủ, Quốc hội tăng khung này lên khi xem xét thuế bảo vệ môi trường. Đây là khoản thu làm tăng thu ngân sách nhà nước, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, giá xăng dầu của nước ta là thấp nhất so với các nước có cùng đường biên với Việt Nam.

“Nên đây cũng là vấn đề góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới. Phải xem xét lợi ích doanh nghiệp và người dân và tác động chung của nó đến lạm phát thế nào. Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng khi quyết định về mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.

Trước đó, Bộ Tài chính có đề xuất áp khung mới đối với thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức thuế có thể được điều chỉnh tối đa lên mức 8.000 đồng/lít. Nhận định trước sự thay đổi này, tờ Trí Thức trẻ dẫn lời ông Trương Đình Tuyển cho rằng đây là xu hướng chung của thế giới.

“Chúng ta có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế môi trường nhằm thay đổi cơ cấu thu, từ việc thu thuế nhập khẩu là chủ yếu sang việc thu thuế nội địa là chủ yếu. Đây là xu hướng chung của thế giới”, ông Tuyển nói.

Lý do được ông Trương Đình Tuyển lý giải là do các ràng buộc trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ buộc Việt Nam phải giảm mức thuế nhập khẩu về 0%. Điều này đặt sức ép lớn lên ngân sách nhà nước.

“Chúng ta ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do, mỗi hiệp định cũng có mức cam kết khác nhau. Nhưng trước sau gì thuế nhập khẩu cũng về 0%. Như vậy cơ cơ cấu thu của chúng ta phải điều chỉnh, chủ yếu là thu từ trong nước”, ông Tuyển nêu rõ.

H.NGUYÊN

Thuế xăng dầu: Nhập chỗ đắt thì dân thiệt, nhập chỗ rẻ thì doanh nghiệp ‘chết’(VietQ.vn) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam chưa phù hợp và gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang