Quy chuẩn cho thép không gỉ: Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng hưởng lợi

author 10:19 09/07/2020

(VietQ.vn) - QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ ra đời không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng minh bạch, công bằng mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tránh trường hợp người dân phải sử dụng các sản phẩm thép kém chất lượng.

Giải đáp triệt để những thắc mắc từ cộng đồng doanh nghiệp

Trước khi QCVN 20:2019/BKHCN được ban hành, vấn đề quản lý chất lượng thép không gỉ đã gặp phải những bất cập từ thực tế. Theo đánh giá của các đơn vị đánh giá sự phù hợp, thời gian qua trong quá trình kiểm tra, đánh giá phù hợp chất lượng thép nhập khẩu, nhận thấy có một số doanh nghiệp nhập khẩu thép không gỉ, không đảm bảo chất lượng, bằng cách công bố theo Tiêu chuẩn cơ sở, trong đó có những yêu cầu cơ lý tính và thành phần hóa học rất thấp so với Tiêu chuẩn quốc gia hay Tiêu chuẩn nước ngoài.

Đơn cử, mác thép SUS201 của tiêu chuẩn cơ sở có hàm lượng Mn trên 10% và Cr chỉ dưới 8%, trong khi mác thép SUS201 trong tiêu chuẩn JIS G4304:1991 của Nhật Bản, quy định Mn tối đa 7.5%, Cr từ 16-18%. Bên cạnh đó, dù Bộ Khoa học và Công nghệ có ban hành Tiêu chuẩn TCVN 10356:2014, TCVN 9985-7:2014 về thép không gỉ và TCVN 5834:1994 về Bồn bình chứa nước bằng thép không gỉ, nhưng trong TCVN 5834:1994 không quy định về thành phần hóa học, hay các mức giới hạn của các nguyên tố có hại cho sức khỏe, có thể thôi nhiễm ra nước khi sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp được tự xây dựng và công bố sản phẩm thép không gỉ theo Tiêu chuẩn cơ sở nên sẽ có rất nhiều mác thép có mức chất lượng rất kém như thành phần hóa học không đủ, tính chất cơ lý không đảm bảo so với các sản phẩm sản xuất theo Tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Do đó, việc xây dựng và ban hành QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ sẽ thống nhất một căn cứ kỹ thuật trong quản lý chất lượng thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, giúp lành mạnh hóa thị trường, bổ sung thêm công cụ chống gian lận thương mại, đảm bảo an toàn cho người và kết cấu công trình.

Thời gian gần đây, trong quá trình đưa QCVN 20:2019/BKHCN vào triển khai trong thực tế, đã có một số ý kiến của doanh nghiệp thắc mắc về các quy định mới được nêu trong quy chuẩn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, thời gian qua, sau khi nhận được một số phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện theo chỉ đạo từ phía Bộ KH&CN để tổ chức buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm trao đổi, thảo luận, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về QCVN 20/2019/BKHCN và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, tại buổi làm việc, có 8 vấn đề các doanh nghiệp đã nêu ra liên quan đến quá trình triển khai QCVN 20:2019/BKHCN. Tổng cục TCĐLCL, Ban soạn thảo và các đơn vị liên quan cũng đã giải đáp trực tiếp, dứt điểm hầu hết các vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra.

“Những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa hiểu rõ quá trình triển khai QCVN 20/2019/BKHCN. Đồng thời, họ có suy nghĩ rằng quá trình triển khai có thể sẽ gặp vướng mắc hoặc tốn kém chi phí. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi được Tổng cục TCĐLCL giải đáp các thắc mắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới thử nghiệm mẫu, lấy mẫu, tổ chức triển khai thực hiện quy chuẩn thì các doanh nghiệp về cơ bản đã hiểu rõ”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đã giải đáp những thắc mắc xoay quanh QCVN 20/2019/BKHCN về thép không gỉ. Ảnh: Hán Hiển 

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, vấn đề duy nhất hiện nay còn vướng nằm ở chỗ có một số doanh nghiệp đang kiến nghị cơ quan quản  lý cho phép chấp nhận các mặt hàng thép theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất/doanh nghiệp tự công bố thay vì hiện nay quy định phải tối thiểu đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của bất kì một quốc gia nào trên thế giới, hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, theo thông lệ chung, để xây dựng và ban hành ra các tiêu chuẩn quốc gia của các nước trên thế giới thì đều cần có các hội đồng chuyên gia, các ban kỹ thuật của các bên liên quan đại diện cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ quan quản lý cùng nhau thảo luận, trao đổi. Sau đó, sẽ đưa ra ý kiến thống nhất để đưa một tiêu chuẩn có tính chất hài hòa và đưa vào thực tế triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đối với tiêu chuẩn cơ sở do nhà sản xuất/doanh nghiệp tự công bố, việc đặt ra các quy định về hàm lượng, thành phần hóa học, cơ lý trong sản phẩm ở mức độ, giới hạn nào là do doanh nghiệp đó tự quyết định. Điều này có thể dẫn đến hiện trạng nguy hiểm cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm thép. Bởi lẽ, người tiêu dùng không thể tự đi kiểm tra được tính chất của thép không gỉ về các thành phần, chỉ tiêu hóa học, cơ lý ra sao, kích thước có đạt hay không.

“Nếu để doanh nghiệp tự công bố theo tiêu chuẩn cơ sở của họ thì rất dễ xảy ra việc họ không quy định các thành phần theo mức cụ thể hoặc quy định thành phần ở mức thấp dẫn đến việc sản xuất ra các sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu tình trạng doanh nghiệp tự công bố sản phẩm theo tiêu chuẩn xảy ra không kiểm soát sẽ dễ dẫn tới gian lận thương mại. Ví dụ như tình trạng doanh nghiệp công bố các mác thép tương tự với các mác thép nổi tiếng (một hình thức nhái hàng) nhưng thực chất không đáp ứng tiêu chuẩn như mác thép nổi tiếng đó.

“Trên thị trường hiện nay đang có sản phẩm thép ghi là thép mác 304. Tuy nhiên thực tế lại không có tiêu chuẩn nào quy định cho mác thép này mà chỉ có tiêu chuẩn quốc gia của Nhật Bản quy định về mác thép SUS 304. Đối với mác thép này, họ sẽ quy định hàm lượng hóa học, cơ lý, kích thước đầy đủ và phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Nhật Bản.

Tuy nhiên, nếu như một doanh nghiệp nào đó cố tình công bố sai khác đi (ví dụ không công bố thép mác SUS 304 mà công bố là thép mác 304) thì có khả năng thành phần trong sản phẩm thép do doanh nghiệp tự công bố không đảm bảo chất lượng, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh.

Đã thông báo rộng rãi, công khai để doanh nghiệp góp ý

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, quá trình xây dựng QCVN 20/2019/BKHCN luôn được công khai để các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đóng góp ý kiến, đặc biệt là đối với các dự thảo. Sau khi xây dựng xong, QCVN 20/2019/BKHCN còn được thông báo rộng rãi, gửi cả cho các tổ chức, đơn vị quốc tế theo đúng quy định tại Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bản thân Hiệp hội thép Việt Nam cũng kiến nghị cần ban hành quy chuẩn này để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo sự công bằng, minh bạch trong quá trình sản xuất, kinh doanh thép.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mặc dù QCVN 20/2019/BKHCN đã có hiệu lực, tuy nhiên, do thời gian qua dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên Tổng cục TCĐLCL đã kiến nghị Bộ KH&CN xem xét gia hạn thời gian, hiệu lực triển khai QCVN 20/2019/BKHCN.

 
Tiêu chuẩn và quy chuẩn giống như một công cụ hai chiều. Khi chúng ta xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì đều hướng tới việc tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tiêu chuẩn quy chuẩn cũng là công cụ để đảm bảo chất lượng theo đúng nhu cầu của người tiêu dùng, là công cụ bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy tiêu chuẩn quy chuẩn phải đảm bảo tính công bằng, hài hòa. Cơ quan nhà nước khi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phải đảm bảo hai điều đó. (Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy).
 

“Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi đã kiến nghị Bộ KH&CN xem xét gia hạn thời gian, hiệu lực triển khai quy chuẩn này để hướng dẫn cho các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng, có cách thức, phương pháp phù hợp để thực hiện quy chuẩn tốt hơn. Các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thép từ các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản…  hoàn toàn có thể yêu cầu các nhà cung cấp (thuộc các nước xuất khẩu) nâng cao chất lượng sản phẩm thép bằng cách thực hiện theo chính tiêu chuẩn quốc gia của nước đó hoặc tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, hoặc các tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận. Có như vậy, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, việc xây dựng QCVN 20/2019/BKHCN tuân theo các quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Toàn bộ hoạt động lấy ý kiến góp ý, tổ chức hội nghị chuyên đề đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

“Trong quá trình xây dựng QCVN 20/2019 chúng tôi đã thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội thép Việt Nam (đại diện cho các doanh nghiệp ngành thép), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để lấy ý kiến rộng rãi.

Quá trình xây dựng nên các quy định trong tiêu chuẩn (ví dụ như các chỉ tiêu về chất lượng, mức giới hạn thành phần…) không chỉ tuân theo quy định trong Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mà còn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc quy định các sản phẩm thép phải theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của bất kỳ nước nào, hoặc tiêu chuẩn quốc tế là nhằm mục tiêu giúp người Việt được sử dụng sản phẩm đủ chất lượng, theo chuẩn mực nhất định, tránh tình trạng người tiêu dùng dùng phải sản phẩm kém chất lượng.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang