Quy định mới về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng

author 06:28 09/03/2021

(VietQ.vn) - Việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thay thế Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2017/NĐ-CP; Điều 1, Điều 4, từ Phụ lục I-IX Nghị định 100/2018/NĐ-CP.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP nêu rõ, khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển và đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh.

Khuyến khích áp dụng mô hình thông tin công trình (sau đây gọi tắt là BIM), giải pháp công nghệ số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng BIM, giải pháp công nghệ số khi quyết định dự án đầu tư xây dựng.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP nêu rõ quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (gọi chung là tiêu chuẩn nước ngoài); tiêu chuẩn cơ sở; vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng. Theo đó, việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, trong thuyết minh thiết kế xây dựng hoặc chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), phải có đánh giá về tính tương thích, đồng bộ và sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.

Khi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương thích, đồng bộ với các tiêu chuẩn có liên quan. Việc công bố các tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình được quy định tại các pháp luật khác có liên quan.

Việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới lần đầu được áp dụng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả. Nghị định quy định đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan. Ảnh minh họa

Cụ thể, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn.

Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo quy định trên, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

Còn đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.

Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

Trước đó, cũng liên quan tới việc quản lý hoạt động xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Nghị định nêu rõ, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: 1- Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; 2- Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình; 3- Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình; 4- Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; 5- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng; 6- Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.

Theo Nghị định, trình tự quản lý thi công xây dựng công trình như sau: (1)Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng; (2) Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; (3) Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu; (4) Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình; (5) Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình; (6) Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình;

(7) Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng (nếu có); (8) Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng; (9) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); (10) Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình; (11) Hoàn trả mặt bằng; (12) Bàn giao công trình xây dựng.

Nghị định nêu rõ, nhà thầu thi công xây dựng tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, quản lý công trường xây dựng theo quy định.

Nhà thầu thi công xây dựng xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình. Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng (nếu có), thiết kế xây dựng công trình. Kịp thời thông báo cho chủ đầu tư nếu phát hiện sai khác giữa hồ sơ thiết kế, hợp đồng xây dựng so với điều kiện thực tế trong quá trình thi công. Kiểm soát chất lượng thi công xây dựng do mình thực hiện theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng. Hồ sơ quản lý chất lượng của các công việc xây dựng phải phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang