Quy định về xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo, bất cập

author 06:30 16/10/2019

(VietQ.vn) - Theo kiến nghị của một số Hiệp hội, các quy định hiện hành liên quan đến xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo, bất cập.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, đại diện một số Hiệp hội như: Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam... đã có kiến nghị với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về các quy định hiện hành liên quan đến xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo, bất cập.

Đơn cử như Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định các nội dung bắt buộc về ghi nhãn song Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Bộ Công Thương không có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước mà chỉ quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa XNK; việc quy định về tính giá trị của nguyên liệu trong giá trị hàng hóa XK để cấp xuất xứ đối với một số mặt hàng chưa chặt chẽ; quy định về xuất xứ hàng hóa chưa cụ thể, bao quát được các loại hàng hóa. Số lượng C/O được cấp lớn, trong khi cán bộ thực hiện cấp mỏng nên hầu hết không kiểm tra thực tế được.

Việc cấp C/O rất dễ theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung nên cần thay đổi về phương thức thực hiện, cần chặt chẽ và thực chất hơn. Mặt khác việc cấp C/O điện tử còn bất cập do hệ thống điện tử hiện nay chưa đồng bộ và ổn định, dẫn đến quá trình khai báo thường xuyên bị trục trặc, gây khó khăn cho DN...

Ngay sau buổi làm việc với các Hiệp hội, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ, trình trước ngày 19 tháng 9 năm 2019 để tiếp tục khẳng định quan điểm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và phòng tránh nguy cơ bị các quốc gia áp dụng các biện pháp bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với các ngành hàng theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 về việc phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Tổ công tác tiếp tục nắm bắt tình hình liên quan đến việc cấp C/O, gian lận xuất xứ hàng hóa, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể các Bộ, cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm giao về nội dung này và sẽ báo cáo Chính phủ.

Ảnh minh họa 

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Để khắc phục, hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Dự thảo Thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng.

Liên quan tới vấn đề trên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, hiện nay, tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc tránh thuế cao ngày một diễn biến phức tạp.

Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa, doanh nghiệp sản xuất và uy tín khi xuất khẩu. Cùng với đó, việc hàng hóa lẫn lộn giữa thật và giả khiến cho thị trường nội địa mất kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Chính vì vậy,  khi nhận được chỉ đạo rất quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đã tìm hiểu, điều tra một thời gian dài để xác định các hành vi gian lận liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

“Các vụ việc đang được điều tra, kết quả ban đầu cho thấy hàng được giả mạo xuất xứ Việt Nam vào Việt Nam sản xuất đơn giản rồi xuất đi nước ngoài với nhãn mác xuất xứ Việt Nam”, ông Thành cho biết.

Theo đại diện Tổng cục Hải Quan, về lâu dài tình trạng này sẽ tác động xấu đến doanh nghiệp trong nước. Các nước sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt thuế, qua đó tác động ngược lại đối với sản xuất trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã đầu tư cơ sở máy móc thiết bị, tạo ra công ăn việc làm sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Để ngăn chặn và giám sát tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Thành thông tin Hải quan đã phối hợp và đề nghị các bộ ngành liên quan như: Công Thương, Công an cùng phối hợp để điều tra xác minh và quản lý chặt chẽ việc cấp xuất xứ để giảm tải áp lực cho cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan.

"Chúng ta biết chỉ một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng giả mạo xuất xứ Việt Nam, còn đa số doanh nghiệp xuất khẩu từ nguồn sản xuất trong nước. Do vậy không phải vì thế mà làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất chân chính khi làm thủ tục thông quan", đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Bảo Lâm

Bộ Công Thương lo ngại hàng hóa Trung Quốc 'mượn' Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh, dẫn đến lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang