Quy định tuổi, trọng lượng vàng mang lợi cho hàng triệu người mua

author 07:56 28/05/2014

(VietQ.vn) - Người mua vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ không còn phải lo vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng hoặc có chất độn trong vàng khi từ ngày 01/6/2014, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực.

Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng căn cứ, yên tâm hơn khi đi mua vàng trang sức, vàng mỹ nghệ. Đối với thị trường, trật tự kinh doanh minh bạch, làm ăn chân chính sẽ được thiết lập nghiêm chỉnh hơn. Những cơ sở làm ăn gian rối, đưa vàng thiếu tuổi, kém chất lượng, vàng độn, thiếu trọng lượng ra thị trường sẽ bị xử lý nghiêm minh theo tinh thần Thông tư nói trên.

Thực tế trên thị trường thời gian qua cho thấy, xuất hiện nhiều chiêu làm giả, làm nhái, lèm kém chất lượng, bớt xén, độn chất trong vàng… của tư thương để kiếm lời chất chính.

Theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, ngoại trừ vàng nguyên liệu 9999 có thể mua bán trên diện rộng, còn các loại vàng 98%, 97%, 96%, 95% hầu như chỉ chấp nhận mua bán ở từng địa phương, thậm chí vàng trang sức 75%, 60%... còn giới hạn trong phạm vi nhỏ là mua ở cửa hàng nào thì bán ở cửa hàng đó vì các cửa hàng thường không công nhận chất lượng sản phẩm của nhau.

Thực tế đó thường diễn ra trên các sản phẩm vàng trang sức, nữ trang vì những sản phẩm như vậy mỗi nơi sản xuất một kiểu, không ai giống ai và cùng rất khó kiểm soát các cơ sở chế tác hoạt động.

Với vàng miếng, hiện tượng thiếu trọng lượng, hạ tuổi, độn thêm tạp chất gần như rất hiếm thấy. Điều đó là do các doanh nghiệp lớn về vàng miếng đã hoạt động theo nguyên tắc và tiêu chuẩn được kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

Lãnh đạo Công ty Vàng bạc Phú Quý cho biết, chỉ cần nâng khống độ tuổi vàng lên 0,5% thôi, người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn người mua vàng trang sức để sử dụng hoặc tặng nhau, thường phải rất lâu sau mới đem bán nên khó phát hiện việc gian lận tuổi vàng của các doanh nghiệp.

Với một đơn vị chế tác vàng cho dù là bé nhưng không khó để mang chế tác sản phẩm vàng mang độ tinh xảo tương đối và ẩn sau đó là tuổi vàng mà người dân không nhận ra được. Việc làm đó mang lại lợi nhuận rất cao lãi 3 mà thành lãi 7, chỉ cần thao tác đơn giản là thêm tạp chất nhỏ trong thành phẩm vàng đó.

Hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, không theo chuẩn bắt buộc là các sản phẩm phải đạt hàm lượng vàng bắt buộc là 14k, 18k, 22k, 24k, trong khi, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Do vậy, bằng cách áp dụng phương pháp đo lường khác nhau, các doanh nghiệp rất dễ lợi dụng để trục lợi.

Kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ vào khuôn phép

Hàng triệu người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ thông tư 22 của Bộ KH&CN

Kể từ ngày 01/6 tới đây, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực, thị trường vàng kỳ vọng sẽ lành mạnh hơn, lợi ích của người tiêu dùng được đảm bảo tốt hơn, góp phần ổn định trật tự trong sản xuất, kinh doanh vàng của doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành được 8 tiêu chuẩn về chất lượng, trong đó 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật xác định tuổi vàng và 7 tiêu chuẩn về phương pháp đánh giá chất lượng vàng.

Hiện chưa có thống kê nào về các cơ sở nhập khẩu, phân phối và chế tác vàng trong cả nước là bao nhiêu. Con số ước lượng của Hiệp hội Vàng Việt Nam về các cơ sở vào khoảng vài chục ngàn và tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh...

Theo quy định tại Thông tư số 22 của Bộ KH&CN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ quy định cụ thể như sau: 1‰ đối với vàng có hàm lượng từ 99,9 % trở lên; 2‰ với vàng hợp kim có hàm lượng từ 80 % đến dưới 99,9 %; 3‰ đối với vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80 %.

Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ

Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ. Ảnh minh họa

Hơn nữa, Thông tư 22 cũng quy định, vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng, phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. Đồng thời vàng trang sức, mỹ nghệ được phép sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được. Kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm.

Ngoài ra, nếu có sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, lớp phủ phải đủ mỏng để không ảnh hưởng đến khối lượng của vật phẩm. Nếu khối lượng lớp phủ lớn hơn sai số lớn nhất cho phép thì phải được nêu cụ thể trong công bố về thành phần và chất lượng của sản phẩm...

Mặc dù quy định mới cho phép sai số về hàm lượng vàng như vậy nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, quy định một đằng, doanh nghiệp lại làm một nẻo và không thể kiểm soát hết được. Trả lời cho băn khoăn trên, tại buổi giao lưu trực tuyến: “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với sức sống doanh nghiệp” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và Chất lượng Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng TCĐLCL cho rằng, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 sẽ chấn chỉnh được tình trạng chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay.

“Thông tư không chỉ đưa ra các quy định, yêu cầu đối với việc quản lý chất lượng và đo lường mà còn quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra yêu cầu về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, đặt ra yêu cầu về chất lượng đối với vàng trang sức, yêu cầu về tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngoài ra còn quy định về năng lực, trình độ của các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ”, ông Vinh nói.

Người dân nói gì?

Chị Lưu Thu Phương (Gia Lâm, Hà Nội): Thực tế cho thấy hiện nay người tiêu dùng như chúng tôi khi đi mua vàng hầu như không thể phân biệt đâu là vàng đảm bảo chất lượng, đủ tuổi, đủ lượng.  Tất cả đều phụ thuộc vào người bán. Họ nói rằng đó là vàng chuẩn thì chúng tôi cũng chỉ biết thế, không thế phân biệt được. Với quy định mới của Thông tư 22 tôi hy vọng các cửa hàng bán vàng sẽ thực hiện nghiêm chỉnh để vàng của người dân chúng tôi yên tâm về chất lượng và không bị thiệt khi mua đi bán lại.

Anh Trương Gia Long (Long Biên, Hà Nội): Việc quy định tuổi vàng, trọng lượng vàng bắt buộc các cơ sở sản xuất vàng phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định khi đưa sản phẩm ra thị trường. Họ phải cam kết đảm bảo chất lượng vàng của mình. Đó cũng là một yếu tố giúp cho chính cơ sở sản xuất vàng tạo uy tín, niềm tin và thương hiệu với người khách hàng. Tôi nghĩ việc này là cần thiết. (Bảo Ngọc)

 

 

 

(Còn nữa).

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang