Quỹ Nafosted áp chuẩn bắt buộc, công bố quốc tế Việt Nam tăng mạnh

author 15:23 07/12/2018

Từ chỗ mỗi năm chỉ có 49 bài báo công bố quốc tế, nay tăng lên là 814. Trung bình một đề tài nghiên cứu có 3 bài báo ISI.

Sáng 5/12, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ Quốc gia (Nafosted) tổng kết 10 năm hoạt động (2009-2017).

Điểm nổi bật của chặng đường phát triển được cơ quan quản lý Quỹ và các nhà khoa học ghi nhận, thông qua cơ chế quản lý khoa học với yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế đối với khoa học tự nhiên, khuyến khích đối với khoa học xã hội và nhân văn, số bài báo công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng vượt trội.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2009 chỉ có 45 bài báo công bố trên tạp chí ISI, năm 2010 là 157 và đến 2017 con số này là 814. 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Theo TS Lê Đình Tiến, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, điểm đột phá trong quản lý Quỹ chính là áp dụng chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Quỹ đưa ra điều kiện bắt buộc đối với các nhà khoa học muốn nhận được tài trợ của Quỹ thì trong vòng 5 năm gần nhất phải có bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế (SCI hoặc ISI), và kết thúc nghiên cứu đề tài phải có bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế.

"Lúc đầu điều kiện này gây phản ứng từ nhiều nhà khoa học, kể cả những nhà khoa học "cây đa, cây đề", đã quen với cách đánh giá theo cơ chế không áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc", TS Lê Đình Tiến nói và cho biết không chỉ với nghiên cứu cơ bản, sau này, đối với nghiên cứu ứng dụng, Quỹ cũng quy định tương tự, phải có bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích là điều kiện bắt buộc. 

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, cách thức vận hành này hướng tới chất lượng nghiên cứu, môi trường học thuật khách quan, minh bạch. Các thủ tục ngày càng được đơn giản hóa giúp khuyến khích sáng tạo.

"Các hoạt động thống nhất hướng mục tiêu chung nhận được sự tâm huyết, hưởng ứng của các nhà khoa học nhằm thúc đẩy nâng cao công bố quốc tế, chỉ số ảnh hưởng quốc tế qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được thành lập từ năm 2003 theo Nghị định số 122 của Chính phủ, chính thức hoạt động từ tháng 2/2008.

Các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ dành cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất, tiềm năng.

Đối với các dự án triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển sản xuất và đời sống Quỹ sẽ cho vay vốn.  

Tính đến hết năm 2017, Quỹ đã thực hiện tài trợ, hỗ trợ cho gần 2.800 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Có hơn 10.000 lượt nhà khoa học được Quỹ tài trợ để duy trì hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, có chất lượng, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế học hỏi nâng cao năng lực nghiên cứu.

Theo VNE

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang