Quyền được chết - Quyền cơ bản của con người

author 06:02 01/05/2015

(VietQ.vn) - "Ở bất kỳ giai đoạn nào của sự đau đớn, được giảm đau không bao giờ là quá muộn! Quyền được giảm đau hiệu quả chính là cơ hội, là một trong những chìa khóa quan trọng, đầy tính nhân văn, trước khi đi đến cuối cuộc hành trình!".

Đó là ý kiến của Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - chuyên khoa Gây mê Hồi sức và Điều trị đau, khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ (BV Y dược TP. HCM) chia sẻ trên diễn đàn Bác sĩ nội trú. Chúng tôi xin trích dẫn đầy đủ bài viết của vị bác sĩ này đối với đề xuất mới đây của Bộ Y tế về "Quyền được chết":

Gần đây, truyền thông trong nước đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm liên quan đến ngành y, đó là "Quyền được chết". Vấn đề còn nhiều tranh cãi và không phải quốc gia nào cũng ủng hộ.

Có lẽ trước khi bàn đến “Quyền được chết” chúng ta hãy trao đổi về quyền đương nhiên người bệnh được hưởng song kể cả người bệnh và thân nhân lại ít khi nghĩ đến hay đề cập tới đó là “Quyền được đau”.

Khi con người đang sống, chúng ta có quyền hy vọng. Một nghiên cứu đã đưa ra các loại hy vọng của loài người như sau: 

- Hy vọng phép nhiệm màu chữa trị, bệnh sẽ thoái lui, và hơn nữa là không bao giờ bệnh.

- Hy vọng sống lâu hơn mong muốn

- Hy vọng đạt được các mục đích và được trải nghiệm các sự kiện quan trọng trong cuộc đời.

- Hy vọng sống một cách đúng nghĩa

- Hy vọng mỗi con người là một cá thể và tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

- Hy vọng gắn kết được các mối quan hệ và có những khoảng thời gian tuyệt vời cùng với gia đình, bạn bè

- Hy vọng được giảm đau và kiểm soát tốt các triệu chứng

- Hy vọng được chăm sóc tốt và được hỗ trợ khi cần

- Hy vọng tìm được ý nghĩa của đời sống tâm linh

- Hy vọng có một cái chết đẹp.

(Clayton JM. Cancer 2005; 103: 1965-75)

Quyền được chết - Quyền cơ bản của con người

Quyền được chết - Quyền cơ bản của con người

Thế nào là một cái chết đẹp?

Con người nói chung là mong muốn được chết tại nhà, chết không đau đớn, chết khi có người thân yêu bên cạnh và vẫn nắm được quyền kiểm soát những chăm sóc nói chung và chăm sóc y tế mong muốn được nhận trước khi chết.

Thực tế lại không giống như mong muốn, theo một nghiên cứu tại nước Mỹ, có hơn 70% người có nguyên vọng muốn chết tại nhà, nhưng chỉ có 25% được chết tại nhà (Harvard Public Opinion Poll- 1999). 

Người ta thường chết trong đau đớn và sự cô độc không cần thiết (SUPPORT Study, JAMA, 1995). 

Tại Mỹ, văn bản “Five wishes” (Năm nguyện vọng) như một giải pháp. Văn bản này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa của ông Jim Towey và Mẹ Teresa trong 12 năm. Ông đã tìm cách giúp các bệnh nhân và gia đình của họ lập kế hoạch và chủ động ứng phó với bệnh tật. Văn bản này như một di chúc sinh thời đầu tiên ở nước Mỹ đề cập đến nhu cầu cá nhân, tình cảm, tâm linh cùng với các nguyện vọng liên quan đến chăm sóc y tế. Đã có 22 triệu người đã sử dụng văn bản này tính tính từ năm 1996.

Theo văn hóa người Việt Nam, một em bé chuẩn bị được sinh ra, mọi thứ đều được chuẩn bị, được lên kế hoạch rất cụ thể, thậm chí khai sinh tỉ mỉ đến từng giờ, từng phút. Ngược lại, kế hoạch đón nhận một cái chết thường không đơn giản và dường như không được quan tâm, đôi khi không nằm trong kế hoạch cuộc đời như một cột mốc trong hành trình sống. Tuy nhiên, có những cái chết cũng được kế hoạch khai tử chính xác đến từng phút, nhưng lại không có trong mong muốn của người ra đi!

Trong các ý kiến tham khảo ở cuộc điều tra trên nhiều tờ báo điện tử, hơn một nửa số người đưa ra ý kiến đồng ý với quyền được chết. 

Truyền thông nên xét theo thứ tự ưu tiên nào?

Quyền được chết được thông qua và thực thi hay không tùy thuộc vào các nhà làm luật cũng như như các quy định về pháp lý, về vai trò và nghĩa vụ của những người thực hiện. Trong khi luật chưa được ban hành, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn trong một bức tranh tổng thể phù hợp với văn hóa và truyền thống mà vẫn giải quyết được vấn về một thỏa đáng nhất. 

Hầu hết các ý kiến đồng tình là các cá nhân đã phải trải qua những hình ảnh về những cái chết dần dần trong đau đớn, vật vã về mặt cơ thể - cái chết cô đơn, không người thân bên cạnh…, hình ảnh tiếp theo sau cái chết là sự kiệt quệ về tinh thần và vật chất. Cái chết để lại nỗi ám ảnh sâu sắc cho những người còn sống sự tiếc nuối, hối hận, sự trừng phạt, về nợ nần kiếp người, về nỗi lo âu tâm linh không dễ gì trút bỏ…

Nói một cách gián tiếp liệu có phải là chúng ta mong muốn chứng kiến một cái chết đẹp - bình yên?

Thế nào là một cái chết đẹp. Không có câu trả lời chính xác, điều tùy thuộc vào mỗi cá thể, tôn giáo, quan niệm về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa về cái chết và những mong ước liên quan đến cái chết của mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn, sự đau đớn về mặt cơ thể, mặt xã hội và mặt tinh thần không làm nên một hình ảnh đẹp kể cả khi còn sống và lúc chết.

Trở lại với các tham luận về quyền được chết, vì sao chúng ta có đa số ý kiến đồng tình, nguồn gốc sâu xa của sự đồng tình này là gì? 

Cùng một bức vẽ ở trên đây, ở mỗi góc nhìn của mỗi cá thể, bức tranh có ý nghĩa khác nhau. Vậy, khi nhìn về sự đau đớn, cái chết và quyền được chết trong mối liên quan: Cơ thể- Xã hội- Tâm linh. Cần thiết, đặt ra câu hỏi với lối tiếp cận vấn đề "quyền được chết" để trả lời câu hỏi: Tại sao, chỉ có 4-5 quốc gia và chỉ có khoảng 4 trong số 50 bang ở nước Mỹ thông qua luật này? Tại Việt Nam, đa số ý kiến tham luận ủng hộ quyền được chết?

Năm 2008, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố: Được giảm đau là một trong những quyền cơ bản của con người. Bổ sung thêm 1 dấu hiệu sinh tồn- dấu hiệu sống của con người bao gồm: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, dấu hiệu đau, ở đó: ĐAU là dấu hiệu sinh tồn thứ 5.

Quyền là khả năng thực hiện ý chí của mình được pháp luật hoặc xã hội chấp nhận, hiến pháp năm 2013 có bổ sung: quyền được sống. Quyền được giảm đau phải chăng chỉ các bác sĩ gây mê hồi sức hay các bác sĩ điều trị đau mới được cập nhật. Vậy trước khi đưa ra dự luật quyền được chết, tại sao chúng ta lại không bàn về quyền được giảm đau?

Nếu như quyền được chết thông qua, bác sĩ sẽ là người giúp thực hiện cái chết. Có cần thiết phải lựa chọn giải pháp cuối cùng ngay không, nếu như nghĩ rằng đội ngũ nhân viên y tế và sự hỗ trợ khác có thể làm được điều gì đó tốt hơn trong việc giúp người bệnh ở giai đoạn cuối hoặc người có bệnh đe dọa tính mạng trước khi họ được chết theo mong muốn cá nhân.

Người Việt mình có câu “sinh-lão-bệnh-tủ”, nói lên quy luật bất biến của đời người, nhưng lại cũng có câu “người sống đống vàng” để đề cao giá trị con người, đồng thời cũng đề cao ý nghĩa có con người sẽ có của cải, vật chất. Sống có nghĩa tức là sự tồn tại có giá trị. Vậy tại sao, nhiều ý kiến lại đề cao sự tự quyết về cái chết? Các lý do đưa ra liệu có đủ thuyết phục: chết sẽ không phải đau khổ, hay thà chết còn hơn bị đau đớn, vật vã... hay sống mà như đã chết - có nghĩa chất lượng cuộc sống không có, không còn hoặc sống như một gánh nặng về kinh tế (nợ nần, phụ thuộc...), về xã hội (bị bỏ mặc, bị ngược đãi, bị mất đi hình ảnh...), về tinh thần (tâm linh)… cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đã bao giờ bạn thấy bất lực khi đứng trước một người bệnh, đã bao giờ bạn từng gặp những khoảnh khắc của bệnh nhân ung thư tha thiết xin được chết thật nhanh, chết ngay lúc này? Đã bao giờ bạn từng có người thân trải qua những giây phút đau đớn tột độ trước khi đi về cõi vĩnh hằng? Có bao giờ, bạn chứng kiến một người mẹ, một ông bố cầu nguyện xin được chết thay, xin được gánh giúp đứa con bé nhỏ nỗi đau đớn không thể diễn tả hết bằng lời? Bạn đã bao giờ chứng kiến người nhà người bệnh bỏ đi ra ngoài vì không thể chịu đựng được sự đau đớn đang hành hạ người thân của họ. Đó là giây phút cực điểm của sự đau mà con người hoàn toàn bất lực, không có sự trợ giúp nào khác. Sự đau đớn cơ thể đau đo ung thư, do loét, do các thiết bị y tế can thiệp, đôi khi không tìm ra được nguyên nhân gây đau (pain) cũng như sự đau khổ (suffer), mà hầu hết là sự đau về mặt cơ thể luôn kèm theo sự đau đớn kiệt quệ về mặt tinh thần, xã hội. Sự đau đớn không chỉ hành hạ người bệnh mà cả người thân của họ cũng phải chịu đựng. Quyền được chết lúc này liệu có còn ý nghĩa hay không? 

Có một nghịch lý rằng bất kỳ một bác sĩ nào kể từ khi ra trường, làm lâm sàng (bác sĩ điều trị) và nhất là bác sĩ cấp cứu, bác sĩ hồi sức thì chắc chắn sẽ không ít hơn 1 lần được yêu cầu, được nhờ giúp đỡ nhưng không quên trao trọn cái tính tự chủ (autonome) của mình về tay bác sĩ: trăm sự nhờ bác sĩ! Đôi khi đó chỉ là câu nói cửa miệng theo thói quen, nhưng trong rất nhiều trường hợp, đó là tình huống vô cùng khó khăn cho công việc của bác sĩ. Nếu có luật này ra, công việc của bác sĩ có dễ dàng hơn không? Vì vậy, gần đây trong y khoa có 2 khái niệm: triệu chứng đau là trọng tâm bệnh nhân là trọng tâm. Bác sĩ có vai trò chia sẻ thông tin để giúp bệnh nhân và gia đình họ đưa ra quyết định.

Những điều này có đủ độ mạnh để giải thích đa số ý kiến củng hộ quyền được chết?

Quyền được giảm đau không bao giờ là quá muộn

Trước khi nói về quyền được chết,  cần được mọi người biết đến, vì đó là quyền cơ bản của con người.

Ai đã từng xem bộ phim “Bucket list”- 2007 của đạo diễn Rob Reiner, luôn hy vọng là chìa khóa giúp con người có động lực sống để thông qua đó tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của cái chết. Chết không có nghĩa là kết thúc, nhiệm vụ cuối cùng của một cái chết đẹp là có thể nói những câu nói về sự cảm ơn, xin lỗi, về sự tha thứ, về tình yêu và chào tạm biệt giữa những người thân yêu.

Vì vậy, ở bất kỳ giai đoạn nào của sự đau đớn, được giảm đau không bao giờ là quá muộn! Quyền được giảm đau hiệu quả chính là cơ hội, là một trong những chìa khóa quan trọng, đầy tính nhân văn, trước khi đi đến cuối cuộc hành trình!

Trà Phương (Ghi)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang