Quyền được chết: Cẩn thận kẻo giết người trá hình!

author 12:40 26/04/2015

(VietQ.vn) - Liệu đề xuất quyền an tử của Bộ Y tế đã lường hết được những hành động lạm dụng nhằm phục vụ những mục đích như chia thừa kế, giết người trá hình?

Xung quanh đề xuất của Bộ Y tế về quyền được chết cho những bệnh nhân không còn khả năng cứu sống đang gây xôn xao dư luận, Chất lượng Việt Nam đã phỏng vấn ông Ngô Dương, Viện Nhà nước Pháp luật. Ông Ngô Dương đưa ra những lập luận chặt chẽ, cung cấp cho những ai quan tâm cái nhìn khá toàn diện về đề xuất khá nhạy cảm trên của Bộ Y tế.  

- PV: Thưa ông, Bộ Y tế vừa đề xuất quyền được chết 'êm ái' cho những bệnh nhân không còn khả năng cứu sống, ông có nhận định như thế nào về đề xuất này?

Ông Ngô Dương: Đây là việc thừa nhận quyền được chết vốn dĩ gây tranh cãi từ lâu. Hiển nhiên sống là quyền tự nhiên của con người, từ bỏ quyền đó cũng là quyền của chính đáng của anh ta.

Điều hay gây tranh cãi là, thường thì các bệnh nhân không tự đưa ra quyết định đó được trong trạng thái sáng suốt và chủ động, nó chủ yếu được quyết định (và sau đó thực hiện) bởi những người chăm sóc sau khi tham vấn về khả năng chạy chữa với các bác sĩ. Điều này động chạm đến không chỉ các giá trị đạo đức vì nó tương tự như giúp người khác tự tử - vốn được quan niệm như giết người, mà còn có thể đặt ra những thách thức về pháp lý như trách nhiệm giám sát của cơ sở chữa bệnh khi bỏ mặc bệnh nhân…

Cảm nhận của tôi là khá lo lắng vì nguyện vọng được an tử, chấm dứt sự đau đớn của bản thân và giảm gánh nặng cho người còn sống là rất chính đáng của bệnh nhân nhưng nó gây ra những dằn vặt cho người thân và đôi khi nó có thể bị lạm dụng nhằm giải thoát nghĩa vụ chăm sóc hoặc những mục đích không trong sáng của những người thân. Đề xuất này, nếu được thông qua sẽ không có được sự đồng thuận cao khi thực hiện.

- PV: Trong trường hợp đề xuất được chấp nhận, ai sẽ là người quyết định để một người bệnh được nhận quyền được chết, người thân hay người bệnh thưa ông?

Ông Ngô Dương: Chắc chắn quyết định an tử phải là bệnh nhân, quyền sống là của anh ta, từ bỏ quyền sống cũng phải là của anh ta. Khi bệnh nhân không còn đủ tỉnh táo và sức lực để tuyên bố một cách tường minh thì người thân quyết định chỉ nên được xem là một ngoại lệ, mà ngoại lệ thì cần quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục để chống lại những lạm dụng có thể có.

Ông Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật

Ông Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật. Ảnh: Trần Nam

- PV: Thực tế, đề xuất của Bộ Y tế đang gây nhiều tranh cãi và có thể sẽ không nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Đặc biệt là đối với Việt Nam, là một nước mang đặc trưng văn hóa phương Đông với quan điểm “còn nước còn tát”. Ông có thể phân tích sâu hơn về khía cạnh này?

Ông Ngô Dương: Tôi xin không bình luận về đặc trưng văn hóa Phương Đông ở đây bởi trong tín ngưỡng Cơ đốc ở Phương Tây, hỗ trợ người khác tự tử đều là trọng tội và không có ngoại lệ nhưng đạo Hin đu của Phương Đông lại thừa nhận nó. Ở Việt Nam, cá nhân tôi từng chứng kiến nhiều gia đình, sau khi tham vấn bác sĩ, họ xin đưa bệnh nhân về để chăm sóc tại nhà rồi xem ngày giờ theo tín ngưỡng truyền thống, các quan niệm liên quan đến tâm linh khác và rút ống thở để bệnh nhân ra đi thanh thản.

Tuy nhiên, đề xuất này, như trên đã nói, nó khó có được sự đồng thuận cao. Tôi cũng chứng kiến một vài gia đình mà trẻ con không có cái gì ăn trong khi một liều thuốc giảm đau của bệnh nhân chỉ sống thêm được vài ngày, cũng có thể giúp các cháu bé được nhiều trong sinh hoạt, học tập. Nhưng gia đình họ mong muốn như vậy, họ không chấp nhận bỏ mặc người thân đau đớn. Quan niệm chấp nhận và không chấp nhận thực trạng đều là chuyện riêng tư, khó thuyết phục và càng không thể ép buộc.

Quyền được chết cho bệnh nhân

Cần hạn chế tối đa những hành động lạm dụng nhằm phục vụ những mục đích không trong sáng như chia thừa kế, giết người trá hình…nếu quyền an tử được công nhận. Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn

Trong lúc nhận định của các nhà chuyên môn thì không phải ai cũng có đủ kiến thức để hiểu là có cơ hội chữa chạy hay không mà chúng ta lại buộc họ phải nói một cách chính thức là chết hay không chết thì lại là một lý do khác để thấy đề xuất trên sẽ gây tranh cãi mạnh. Ranh giới giữa tội phạm và đạo đức trong trường hợp này quá mong manh. Tôi cho rằng, người phản đối nhiều nhất chính là các bác sĩ. Chuyện tự ái nghề nghiệp hay y đức chưa phải là lớn nhất mà là sự an toàn của họ bị đe dọa. Họ vẫn nói với người nhà bệnh nhân rất thật lòng về cơ hội cứu chữa và để người nhà bệnh nhân quyết định. Nhưng buộc họ phải tư vấn một cách chính thức, dù nó đúng, thì đó lại là một chứng cứ gây rắc rối cho họ: Giả thiết là biên bản ghi ông A được an tử theo tư vấn của bác sĩ B – điều đó quá nguy hiểm cho bác sĩ. Mà bác sĩ thì không nên có bất cứ một sự đe dọa nào, còn rất nhiều những mạng sống khác cần đến sự tỉnh táo của các bác sĩ này.

Phải thấy rằng an tử là không hiếm và đã xảy ra trên thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng và không có tranh cãi hay dằn vặt gì. Nhưng nếu chính thức hóa nó, liệu chúng ta đã tính hết được hay chưa những hành động lạm dụng nhằm phục vụ những mục đích không trong sáng như chia thừa kế, giết người trá hình… đó cũng là một điều gây tranh cãi lớn và khó đạt được sự đồng thuận cao.

- PV: Như ông vừa nói, đề xuất trên đụng chạm không chỉ các vấn đề đạo đức mà còn đặt ra những thách thức pháp lý rất lớn. Vậy, trên thế giới đã có những nước nào áp dụng điều luật này chưa thưa ông?

Ông Ngô Dương: Có một số nước đã áp dụng. Khảo sát của chúng tôi cho thấy có các nước như Hà Lan, Bỉ, Luxemburg, Thụy Sĩ và một số bang của Mỹ thừa nhận quyền được an tử của bệnh nhân.

Ở Canada, phán quyết mới nhất hồi tháng 2/2015 của Tối cao pháp viện nước này đã bác bỏ điều khoản cấm hỗ trợ tự tử nếu đó là hỗ trợ thụ động như rút ống thở, ống thức ăn... theo yêu cầu của bệnh nhân. Đáng lưu ý là an tử luôn đòi hỏi những điều kiện và thủ tục rất chặt chẽ để tránh lạm dụng hoặc quá vội vã khi chưa xem xét hết các cơ hội cứu chữa.

- PV: Như ông vừa phân tích, đi cùng với đề xuất an tử, cần phải có những chế tài để tránh những lạm dụng nó trở thành tội ác vô nhân đạo hay sai sót y tế hoặc việc trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng người bệnh, chiếm đoạt tài sản thừa kế...Theo ông đánh giá thì hệ thống Pháp luật của Việt Nam đã đủ những chế tài đó chưa?

Ông Ngô Dương: Hệ thống chế tài hành chính, hình sự của chúng ta có lẽ đã đủ và không cần đặt thêm cái gì nữa. Từ cảnh cáo, phạt tiền đến tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình rồi cấm hành nghề, tước giấy phép sử dụng,…đều đã có.

Để khắc phục lạm dụng thì không phải là các chế tài mà là thủ tục, điều kiện chặt chẽ. Chúng ta thường gặp cụm từ “đúng quy trình” trên truyền thông khi đọc về các bê bối, vi phạm. Vấn đề là các quy trình đó không tốt nên làm đúng vẫn cho ra kết quả tồi. Theo tôi, cần đặt ra những điều kiện nào được an tử, thủ tục cần những bước gì. Cần lưu ý là phải có việc giám sát độc lập, ngoài quy trình kiểm tra nội bộ, đối với việc thực hiện bất kỳ quy trình nào mới hạn chế ở mức cao nhất những hành động lạm dụng.

- PV: Tức là cần rất nhiều những điều kiện phức tạp mới có thể công nhận quy định về quyền an tử, nếu đánh giá tổng thể về các mặt thì theo ông Việt Nam đã có đủ những điều kiện cần thiết để công nhận quyền đó chưa thưa ông?

Ông Ngô Dương: Thú thực là tôi rất ngại phải nói điều này vì tính nhạy cảm của nó. Công nhận quyền được chết không liên quan gì đến kinh tế hay chính trị, nó phụ thuộc quan niệm đạo đức, tôn giáo của cộng đồng là chính. Tôi không cho rằng Việt Nam thiếu điều kiện gì để công nhận quyền này. Không có đúng hay sai ở đây mà là nên hay không nên. Cái không nên là động chạm đến tình cảm giữa người bệnh và người thân của họ, sự tự nguyện chăm sóc bệnh nhân của họ, cái mong muốn được tận tình với người thân của họ; Cái nên là sự thanh thản cho người ra đi, sự giảm bớt gánh nặng về tinh thần và vật chất của người ở lại, sự an toàn về pháp lý cho các nhà chuyên môn và các cơ sở chữa bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Trần Quân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang