Quyền lợi người tiêu dùng còn bị bỏ quên

author 11:49 13/07/2013

Khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ đang ngày càng gia tăng.

 
Đã hai năm từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đi vào cuộc sống nhưng quyền lợi của NTD dường như còn bị bỏ quên. Đó là nhận định chung của nhiều luật sư tại hội thảo Nhìn lại hai năm triển khai thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ngày 11-7.

Luật chỉ là hình thức?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng có ban hành danh mục hàng hóa dịch vụ  thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung. Cụ thể các giao dịch đó là điện, nước sinh hoạt, truyền hình trả tiền, thuê bao điện thoại cố định…

Người tiêu dùng vẫn mua phải nhiều hàng hóa kém chất lượng, không an toàn. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng vẫn mua phải nhiều hàng hóa kém chất lượng, không an toàn. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Cạnh tranh tính đến tháng 5-2013, chỉ có 138 hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung, trong đó 66 hồ sơ được chấp nhận, 59 hồ sơ không được chấp nhận, còn lại là rút hồ sơ.

Ông Hậu đặt vấn đề mức chế tài theo Nghị định 19/2012/NĐ-CP là phạt 50-70 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD. Thế nhưng đến thời điểm này lại chưa có DN nào bị xử lý. Phải chăng quy định chỉ mang tính hình thức?

Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, cho biết có một số  ngành đăng ký đầy đủ vì độc quyền như hàng không, điện lực, đường sắt. Nhưng những đối tượng như truyền hình trả tiền, căn hộ chung cư thì chưa đăng ký đầy đủ. Cục đã báo cáo lên Bộ và ba lần gửi công văn thúc giục các DN mà họ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Nguyên nhân là do họ chưa quen với quy định này; hai là tính nghiêm túc thực thi pháp luật chưa cao và ba là họ đang chờ xem các cơ quan quản lý nhà nước có nghiêm túc thực hiện hay không.

Xử không theo quy định

Luật gia Phan Thị Việt Thu kể trong hai năm qua Văn phòng Khiếu nại của Hội Bảo vệ NTD tiếp nhận 150 vụ với nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ, tăng khoảng 20 vụ so với trước đây. Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung mà NTD không được giải thích rõ thông qua vay tiêu dùng mua hàng trả góp…

Chẳng hạn, để vay tiền mua xe máy giá 36 triệu đồng, NTD phải mua bảo hiểm cho khoản tiền vay hơn 26 triệu đồng, trả trước cho cửa hàng bán xe máy hơn 10 triệu đồng và phải vay của một công ty số tiền khoảng 28 triệu đồng trong thời hạn 24 tháng, lãi suất 5,4%... Ở đây NTD không hiểu về những điều kiện giao dịch do công ty bảo hiểm đặt ra theo hợp đồng mẫu của công ty. Bởi NTD nghĩ đó là khoản bảo hiểm nếu bị tai nạn sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường mà  không biết rằng đó là khoản bảo đảm cho công ty vay tiền trong trường hợp người vay qua đời…

Đối với trường hợp DN không đăng ký hợp đồng theo mẫu, khi phát sinh tranh chấp tòa án thường căn cứ nội dung hợp đồng mà không xem xét hợp đồng đó có phải đăng ký theo mẫu của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD hay không. Tòa cứ cho rằng đó là thỏa thuận dân sự của hai bên. “Với hướng xét xử trên của tòa thì sẽ tạo điều kiện cho các vi phạm về quy định đăng ký hợp đồng theo mẫu có điều kiện phát sinh” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Không ít doanh nghiệp bán lẻ chỉ tập trung kích cầu, bán hàng mà "phớt" quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Không ít doanh nghiệp bán lẻ chỉ tập trung kích cầu, bán hàng mà "phớt" quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, luật gia Phan Thị  Việt Thu cho biết trường hợp NTD khởi kiện việc mua nhà chung cư không được giao đúng hợp đồng cũng khá nhiều. Khi nộp đơn lên tòa thì tòa không nhận theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mà  chỉ nhận theo án dân sự, nghĩa là người yêu cầu khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí. Sau đó, tòa cho rằng do đối tượng khiếu nại là hợp đồng mua bán nhà chung cư không phải nhà ở nên không phải là hàng tiêu dùng và buộc NTD đóng án phí  theo thủ tục dânsự.

Phải thực hiện đồng bộ

Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, cho biết cơ quan chức năng địa phương cần mạnh dạn nêu tên những DN không chịu triển khai đăng ký hợp đồng theo mẫu quy định để công khai cho dư luận biết, kèm theo hình thức xử phạt cần thiết.

Theo ông Nam, điều đáng lo nữa là trình độ nhân lực triển khai ở địa phương, chưa có cán bộ chuyên trách mà toàn là cán bộ kiêm nhiệm. Cần có thông tư liên tịch hình thành bộ máy bảo vệ quyền lợi NTD xuyên suốt từ trung ương đến địa phương chứ nếu chỉ có ở  trung ương mà địa phương không có thì không thể hiệu quả được.

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết trước đây khi chưa có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, nếu hòa giải không thành thì Hội Bảo vệ NTD gửi phiếu chuyển lên Sở  Công Thương giải quyết. Tuy nhiên, từ khi luật có hiệu lực, chưa có nơi nào tiếp nhận xử lý khiếu nại của NTD ngoài tòa án. Điều này càng khiến cho NTD chịu thiệt thòi. Do đó, để quyền lợi NTD được đảm bảo, điều quan trọng là các cơ quan chức năng, DN phải thực thu đúng quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn.

Theo PhapluatTP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang