Quyết liệt đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

author 19:37 22/08/2019

(VietQ.vn) - Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chặt chẽ, minh bạch nhưng tiến độ vẫn rất chậm, chỉ đạt 27,5% kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước, đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Từ trái sang phải: ông Phạm Đức Trung- Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.     

 

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên như: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn; một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.

Tại buổi Tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh” ngày 22/8/2019 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, cái vướng nhất của cổ phần hóa là phương án sử dụng đất và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi quyết định cổ phần hóa. Vì công việc này kéo dài, chưa được phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa bị ách tắc. Hơn nữa, khu vực doanh nghiệp nhà nước thường có nhiều cơ sở nhà đất. Do vậy, khi cổ phần hóa phải minh bạch tài sản, sử dụng cơ sở nhà đất đúng mục đích, hiệu quả. Còn nếu không thì phải trả lại cho chính quyền địa phương thực hiện đấu giá, giao đất cho những thành phần kinh tế khác sử dụng hiệu quả hơn.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Hồng Long, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính bổ sung, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện rà soát đất đai, cùng với đó, cơ quan quản lý công bố quy hoạch. Bất cập ở đây là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chưa nhuần nhuyễn. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phân cấp trách nhiệm mạnh hơn cho các địa phương. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cần sớm có quy trình cho các doanh nghiệp biết, để doanh nghiệp ước lượng được thời gian và khối lượng công việc cần thực hiện, có như vậy chúng ta mới đẩy nhanh được tiến độ về đất đai. Đặc biệt, phải có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị khởi điểm của doanh nghiệp, bởi nếu xác định giá trị thấp thì Nhà nước bị thất thoát, còn xác định giá trị cao thì sẽ không bán được - ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Một vướng mắc nữa cũng đang làm chậm tiến độ cổ phần hóa là công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thông suốt, thậm chí có sự vênh nhau ở nơi này, nơi khác giữa các cơ quan liên quan với địa phương trong quá trình phê duyệt Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn.

Hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải quyết liệt tập trung phê duyệt phương án sử dụng đất cho các doanh nghiệp trên địa bàn này, có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ cổ phần hóa. Bởi đây là hai địa bàn trọng tâm, giá trị lợi thế đất đai rất lớn. Nên việc phê duyệt Phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa sớm sẽ giúp cho hai thành phố lớn này có thêm nguồn lực để phát triển.

Bên cạnh yếu tố về thể chế, về thị trường, thì yếu tố con người là rất quan trọng. Hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa. Do vậy, ông Phạm Đức Trung- Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định rõ và xử lý trách nhiệm những cá nhân có hành vi cản trở, làm giảm tiến độ cổ phần hóa.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro- đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa thành công và có bước phát triển tốt sau cổ phần hoá.

Tại phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần tạo sự nhất trí cao, nâng cao hơn nữa nhận thức để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện công tác cổ phần hóa.

Theo đó, từ nay tới hết năm 2019, các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, thoái vốn trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang