Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

author 17:48 18/07/2019

(VietQ.vn) - Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của doanh nghiệp thương hiệu mạnh.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại hội thảo “Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” do Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Báo Công Thương tổ chức ngày 18/7 tại Hà Nội.

Vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, trong 5 tháng năm 2019 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục QLTT - bà Phạm Thị Vĩnh Hà cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo “Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng”.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng tẩy xóa, sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra. Việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, dùng khách sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố và vùng phụ cận nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; các cửa khẩu nơi tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái...

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp. Theo đó, một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường.

Xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 55 địa phương và 13 mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt.

Bộ cũng thực hiện tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm. Mục tiêu của hoạt động là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam- bà Lê Việt Nga cho hay.

Sau khi được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chợ ATTP, một số địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách địa phương để triển khai nhân rộng mô hình, tiêu biểu như Thanh Hóa đã nhân rộng 2 mô hình và hỗ trợ 35 chợ hoàn thành để công bố chợ đạt chuẩn TCVN 11856:2017 – Chợ Kinh doanh thực phẩm. Ninh Bình nhân rộng 3 mô hình, Hòa Bình đã nhân rộng 05 mô hình, Tiền Giang nhân rộng 2 mô hình, Bà Rịa – Vũng Tàu nhân rộng 3 mô hình. Năm 2019 này, TP.Hồ Chí Minh cũng đã lựa chọn mỗi huyện 1 chợ để nhân rộng mô hình- bà Lê Việt Nga thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình các cơ sở thực phẩm kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, Bộ đã quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp các nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn. Đồng thời, Bộ đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng.

Nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ đạo, cần tập trung triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm; đánh giá trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chủ động thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

 Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần chủ động thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang