Quyết liệt trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

author 09:15 21/01/2018

(VietQ.vn) - Vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân, Cục An toàn thực phẩm sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm bảo đảm ATTP để người dân đón Tết an toàn.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương liên ngành về vệ sinh ATTP đã thành lập các đoàn thanh tra tại 12 địa phương, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để người dân có một cái Tết an toàn.

Phóng viên (PV): ATTP luôn là vấn đề “nóng”, nhất là dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân, Cục ATTP đã triển khai những biện pháp gì nhằm bảo đảm ATTP để người dân đón Tết an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Nhằm bảo đảm ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Theo đó, ban chỉ đạo liên ngành đã thành lập 6 đoàn tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Chỉ thị 09 về bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, nhất là các cửa khẩu.

Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ kết hợp lấy mẫu test nhanh tại chỗ, nếu có sai phạm sẽ xử lý luôn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ đạo các cơ sở kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm để có kết quả nhanh nhất, thông tin kịp thời cơ sở đạt hoặc chưa đạt ATTP đến người tiêu dùng. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết, ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

PV: Ông nhận định như thế nào khi có ý kiến cho rằng không ít địa phương vẫn thờ ơ với công tác bảo đảm ATTP?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Thực tế, nhiều địa phương vẫn "khoán trắng" công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là các đoàn kiểm tra thiếu việc tham gia của cơ quan công an thì hiệu quả không cao. Việc phát hiện sai phạm và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng gặp không ít khó khăn. Có cơ sở khi đoàn thanh tra, kiểm tra đến thì đóng cửa, kiên quyết không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại chuyển địa điểm sản xuất đến một nơi khác, đoàn kiểm tra rất khó khăn khi tiếp cận... Bởi vậy, trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP Tết năm nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương chủ yếu đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương chứ không làm thay địa phương. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý, không để “trên nóng, dưới lạnh”.

PV: Mới đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét ban hành quy định mới về cấp phép công bố thực phẩm, cắt giảm thủ tục thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Như vậy, vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra ATTP có được bảo đảm không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 38 về quản lý ATTP đang được Bộ Y tế trình Chính phủ, nếu được thông qua và ban hành sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý ATTP, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP thì vấn đề quản lý vẫn phải được siết chặt theo hướng “thông thoáng đầu vào, chặt chẽ đầu ra”, tức là tăng cường hậu kiểm, tăng cường xử phạt nhưng khâu tiền kiểm sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm theo hướng tăng mức xử phạt rất nặng với hành vi vi phạm về ATTP. Cùng đó sẽ bổ sung các hình thức xử phạt, rút giấy phép, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Siêu thị Fivimart luôn sẵn sàng cung cấp những mặt hàng Tết với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: HẢI ANH 

PV: Với thói quen tích lũy thực phẩm trong dịp Tết của người dân dẫn đến không bảo đảm ATTP, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Dịp Tết, người dân thường có thói quen tích lũy thực phẩm trong nhà, nhất là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao, như: Bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, cá, rau củ quả... Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Trong khi đó, thời gian Tết Nguyên đán, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam lại nắng nóng gay gắt, đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng thực phẩm. Bởi vậy, người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong những ngày Tết. Hiện nay, các sản phẩm tươi sống luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Tuyệt đối không sử dụng các đồ uống có cồn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tiền mất, tật mang.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo QĐND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang