Ra công văn ‘ép’ uống ‘bia nhà’ là bình thường?

author 07:29 29/08/2014

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng ra công văn là kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà thôi (?)

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin (ngày 28-8), không chỉ chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra công văn yêu cầu các đơn vị ưu tiên sử dụng sản phẩm bia Sài Gòn và nước khoáng Kim Sơn sản xuất trên địa bàn tỉnh mà Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cũng ký ban hành một công văn (số 5290 ngày 28-7) yêu cầu các sở ngành, quận, huyện,… vận động mọi người ưu tiên sử dụng các sản phẩm bia “sân nhà” như bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida... Ý kiến từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng việc chính quyền ra công văn kiểu như thế là có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Gọi là khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng các địa phương lại “chỉ định” tiêu thụ bia sản xuất tại tỉnh nhà. Ảnh: HTD

“Chúng tôi không sai luật”

Ngày 28-8, trao đổi với PV qua điện thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nói: “Tôi ra công văn đó không có gì là trái luật hết. Đó là như kiểu kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” chứ không có vấn đề gì. Chúng tôi đã tính toán cả rồi. Tôi khẳng định không có tiêu cực gì trong đó cả”.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan, cá nhân cũng lo lắng nếu không sử dụng các loại bia trên theo yêu cầu của tỉnh thì có bị kỷ luật hay không. Vì trong công văn nêu rằng: “Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã quán triệt đến các đơn vị trực thuộc, cán bộ công chức, viên chức và nhân dân thực hiên chủ trương này của UBND tỉnh; khuyến khích cán bộ trong cơ quan đơn vị vận động người thân, bạn bè thực hiện. Hằng tháng, hằng quý, hằng năm báo cáo tình hình thực hiện về UBND tỉnh. Giao Sở Công Thương tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ hằng tháng gửi UBND tỉnh”.

Về vấn đề này, ông Đường cho hay: “Chúng tôi kêu gọi hướng dẫn về mặt quản lý nhà nước chứ không áp đặt. Ở đây không có gì sai luật”.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, các công ty, nhà máy bia đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An mỗi năm đóng góp khoảng 1/7 ngân sách thu vào của tỉnh. Tính riêng năm 2013, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nộp ngân sách 152 tỉ đồng; Sài Gòn - Sông Lam 560 tỉ đồng; bia Hà Nội 330 tỉ đồng. Trong khi đó thu ngân sách toàn tỉnh chỉ khoảng 7.000 tỉ đồng.

Hỗ trợ nhà máy bia trong tỉnh?

Tiếp tục tìm hiểu câu chuyện trên tại Sở Công Thương tỉnh Nghệ An - đơn vị tham mưu ra công văn trên, ông Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở, cho hay việc ra công văn này không phải xuất phát từ yêu cầu của các nhà máy bia mà xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, kêu gọi đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn tỉnh. Trước đó, khi nhận thấy tình hình tiêu thụ bia của các nhà máy đóng trên địa bàn sáu tháng đầu năm sụt giảm làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ nhà máy bia này nên tỉnh đã có buổi làm việc với các lãnh đạo công ty bia. Trên cơ sở kết luận của buổi họp, Sở được giao để tham mưu ra công văn trên.

Công văn 3434 về việc “ưu tiên sử dụng các hàng hóa, sản phẩm trong tỉnh” do chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký.

“Chúng tôi đã tính toán câu chữ chỗ này rất kỹ, anh em đã nghiên cứu kỹ Điều 6 Luật Cạnh tranh rồi” - ông Cương nói. Vị này cũng thông tin thêm trước đó ở Hà Tĩnh, chủ tịch tỉnh này cũng đã ký công văn  kêu gọi ưu tiên sử dụng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. “Phải có động thái này nếu không DN sẽ rất vất vả. Tất nhiên, vừa rồi các DN khác ngoại tỉnh đưa bia vào tỉnh Nghệ An tiêu thụ như bia Huda, Heineken thì chúng tôi không cấm đoán gì cả, các hoạt động khuyến mãi của họ vẫn hoạt động bình thường” - ông Cương nói.

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng kêu gọi

Từ lời của ông Cương, theo tìm hiểu của chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ra Công văn 3434 về việc “ưu tiên sử dụng các hàng hóa, sản phẩm trong tỉnh”. Công văn kêu gọi các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể, nhà hàng, khách sạn, ưu tiên mời gọi khuyến khích sử dụng các sản phẩm đồ uống sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…

Sở VH-TT&DL cũng ra công văn đề nghị các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, ưu tiên sử dụng, giới thiệu, nhận đại lý và bán lẻ sản phẩm bia Sài Gòn - Hà Tĩnh làm đồ uống phục vụ du khách.

Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh ngày 4-8 cũng ra công văn có nội dung: “Hiện nay một số đơn vị địa phương chưa quan tâm, quán triệt sâu sắc chủ trương của UBND tỉnh về ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Cá biệt một số cán bộ, công chức chưa gương mẫu thực hiện kế hoạch và văn bản 3434 của UBND tỉnh…”.

Vẫn có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Việc UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn vận động các sở, ban ngành,... hỗ trợ DN tiêu thụ bia sản xuất trên địa bàn là có tính phân biệt đối xử, đi ngược lại với quy luật cung cầu thị trường.

Công văn này cũng có dấu hiệu lạm quyền và vi phạm pháp luật cạnh tranh. Cụ thể Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định rõ cấm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những hành vi buộc DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với DN được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các DN gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU,
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM


Xử lý ra sao, chờ chỉ đạo của tỉnh

Ngày 28-8, cổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh (kyanh.gov.vn) đã gỡ bỏ công văn do ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ký về việc yêu cầu “đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại huyện Kỳ Anh”.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh, cho biết trước mắt công văn đã gỡ xuống khỏi cổng thông tin điện tử huyện, còn việc xử lý ra sao phải chờ chỉ đạo từ tỉnh. Lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Kỳ Anh cho biết ông Bổng ra công văn trên xuất phát từ việc UBND tỉnh chỉ đạo kêu gọi, vận động  “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Theo PL.TPHCM

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang