Rà soát các rào cản ‘quấn chân’ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

author 15:23 11/10/2017

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ và 12 Bộ ngành đã cùng đối thoại để rà soát các rào cản nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

 

13 Bộ ngành tập trung rà soát hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục. Ảnh Huy Hùng

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc giảm tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan từ 35% xuống 15% và sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập, 13 bộ ngành đã cùng đối thoại để rà soát các rào cản còn đang làm vướng chân doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chia sẻ tại hội thảo “Rà soát hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu” diễn ra ngày 11/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 19, cần rà soát để tránh chồng chéo cùng một mặt hàng phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý khác nhau.

Rà soát, làm rõ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (tiền kiểm) theo hướng ít nhất có thể, chuyển mạnh sang hậu kiểm; quy định rõ các biện pháp quản lý trong các quy chuẩn Việt Nam để giúp doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.

Đồng thời rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.

Được biết, triển khai Nghị quyết 19, thời gian qua Bộ KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm hàng hóa (SPHH) nhóm 2.

Cụ thể, Bộ KH&CN ban hành Thông tư 02 với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm, đặc biệt là biện pháp hậu kiểm để tạo ra khung pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để có những biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm SPHH do bộ ngành phụ trách. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiếm của các Bộ ngành.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN hướng đến việc kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, chuyên mạnh sang hậu kiểm và giảm tối đa số lượng hàng hóa phải kiểm tra chất lượng tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15%.

Theo đó, chỉ có duy nhất xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là áp dụng biện pháp tiền kiểm; tất cả sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 còn lại (thép, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện-điện tử, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy) đã được chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.

Nhiều hàng hóa trong danh mục nhóm 2 chưa có QCVN

Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sau khi kiểm tra việc thực hiện các bộ ngành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, trong khi chưa ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia.

 Bà Phạm Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN - Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh Huy Hùng

Trước đó từ năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát Danh mục hàng hóa nhóm 2. Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo về Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu và danh mục quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực. Trong đó, rất nhiều danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đi kèm.

Thông tin tại hội thảo, bà Phạm Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN - Bộ Công Thương cho hay, liên tiếp trong 3 năm từ 2015 – 2017 đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã rà soát, sửa đổi nhiều quy định, trong đó đáng chú ý là loại bỏ nhóm hàng tiêu dùng ra khỏi danh mục SPHH nhóm 2.

Hiện bộ này đã rà soát và ban hành Danh mục SPHH nhóm 2, trong đó loại bỏ 3 nhóm: sản phẩm dệt may, phân bón, máy, thiết bị công nghiệp; bãi bỏ 5 thủ tục hành chính tại Thông tư 58 về quản lý chất lượng thép. Tuy nhiên, mới chỉ ban hành 14 QCVN để quản lý SPHH nhóm 2.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị quyết 19 của Chính phủ thì tất cả các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 phải được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm hàng hóa nhóm 2 không có quy chuẩn hoặc có những QCVN được ban hành nhưng chưa rõ phải quản lý theo biện pháp nào, tiền kiểm hay hậu kiểm.

“Do đó các Bộ ngành cần phải rà soát, làm rõ một số SPHH hiện nay chưa được quản lý theo QCVN thì phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy chuẩn để áp dụng triển khai, nếu không thì phải xem xét để loại bỏ ra khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2”, ông Linh nói.

Rà soát hàng hóa nhóm 2 và văn bản QPPL: ‘Gỡ nút thắt’ cho hàng hóa xuất nhập khẩu(VietQ.vn) - Trên tinh thần thực thi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP, Bộ KH&CN đã chủ động cùng với các Bộ, ngành tổ rà soát hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

 Bảo Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang