Hoảng hốt thấy món lòng lợn, tiết canh chay trong cỗ rằm tháng 7

authorDương Phương Ngọc 11:29 17/08/2016

(VietQ.vn) - Vào ngày rằm tháng 7, nhiều thực khách hoảng hốt khi thấy thực đơn của nhiều nhà hàng đồ ăn chay vẫn có cả món... lòng lợn, tiết canh.

Rằm tháng 7 năm nay, theo khảo sát ở một số địa điểm nhà hàng ăn chay trong nội thành Hà Nội, lượng khách đến các nhà hàng dùng bữa tăng dần lên từng ngày, có nơi tăng đến 30%. Giá cả tùy theo từng món và khẩu phần, dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/món ăn.

Các quán ăn chay ngoài phục vụ khách đến cửa hàng còn đáp ứng nhiều người có nhu cầu đặt mâm cỗ. Giá từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/mâm tùy theo số món khách đặt...

PGS.TS Ngô Văn Giá: Tháng cô hồn không nên kiêng kỵ thái quá?(VietQ.vn) - Có nhiều kiêng kỵ trong tháng cô hồn nhưng theo chuyên gia văn hóa Ngô Văn Giá: Đừng quá nặng nề và tin mù quáng để cản trở cuộc sống hàng ngày.

Những món ăn chay này không chỉ lôi cuốn thực khách vì màu sắc bắt mắt, mà còn thu hút người tiêu dùng từ những cái tên rất mặn như đùi gà chiên, gỏi mắm, xá xíu, thịt kho…

Thậm chí, tại một quán chay ở quận 1, TP.HCM, nhiều thực khách hoảng hốt khi thấy thực đơn nhà hàng này có cả món... tiết canh chay. Chủ quán tại đây cho hay, nguyên liệu chính tạo màu của tiết canh chay được làm từ củ dền đỏ.

Tuy nhiên, những người theo đạo Phật thường nhắc nhở người dân Việt rằng: Đừng cố chấp vào việc chay ăn “giả mặn” bởi ăn chay giả mặn “độc hại” hơn ăn mặn.

Một vị hòa thượng khi chia sẻ với phóng viên đã từng phản ứng kịch liệt về những thức ăn chay mà toàn dùng những từ "mặn" để gọi tên như cháo lòng thịt gà xé phay.... Điều này khiến cho người ăn chay không quên được mùi thịt cá, khó có thể tiến hành việc tu tâm, tích đức, nhớ về mùi thức ăn phàm trần khiến người tu dễ quay trở lại con đường ác và còn làm tổn hại lòng từ bi của người con Phật.

Đại đức Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng cho biết: Giáo lý của đạo Phật không có chuyện “hồn chay, hình mặn”.

 Giáo lý của đạo Phật không có chuyện “hồn chay, hình mặn”. Ảnh minh họa.

"Nếu ăn chay mà lòng vẫn tơ tưởng đến món mặn thì khác gì ăn mặn. Bây giờ nhiều người ăn chay như một thứ để thể hiện, họ không hiểu được triết lý của đạo Phật về ăn chay. Ăn chay mà làm cả tiết canh là nhầm lẫn đáng buồn. Ăn gì thì điều quan trọng nhất vẫn là tâm thanh tịnh, từ bi" - Đại đức Thích Chiếu Tuệ chia sẻ.

Trên thực tế, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích: thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột ngũ cốc và đạm (protein) thực vật. Tuy nhiên, để tạo ra được hương vị, hình dáng giống thức ăn mặn thông thường như ốc chay có màu xám, tôm chay có màu đỏ tươi, nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt, phải có thêm chất định hình, để tạo hình cho giống các loại thịt, cá, hay cho phụ gia để tạo được độ giòn, dai, trong...

Những chất tạo hương, tạo mầu, tạo hình này theo PGS.TS Thịnh rất độc hại cho sức khỏe của người dùng.

 Thực đơn nhà hàng rằm tháng 7 vẫn có món tiết canh chay. 

Trên trang Health News đã từng đề cập đến 5 thành phẩm thường được sử dụng trong chế biến thức ăn chay dễ gây nguy hiểm mà có thể người dùng không hay biết.

Thứ nhất, Hexane - một phụ phẩm sản sinh trong quá trình tinh chế xăng dầu, được sử dụng để tạo ra protein thực vật có kết cấu (TVP) dùng như thịt giả trong các món chay như : bánh mì kẹp thịt chay, bánh tacos và cháo ngô hầm. Hóa chất này có tác dụng chiết xuất protein từ đậu nành để tạo thịt giả.

Thứ hai, Seitan (lúa mì) dùng để thay thế thịt nên khá phổ biến trong các món chay. Khác biệt với các món giả thịt khác, Seitan không làm từ đậu nành mà có nguồn gốc từ gluten lúa mì. Vì vậy, gluten có thể gây dị ứng nghiêm trọng.

Thứ ba, phẩm màu Carmine, hóa chất này được sử dụng trong nhiều món ăn chay phổ biến như nước ép bưởi, sữa chua chay, trái cây đóng hộp và thậm chí cả trong mỹ phẩm.

Tuy nhiên, thực tế đã từng có báo cáo cho biết loại phụ gia thực phẩm này có thể gây dị ứng nghiêm trọng ở một số người, trong đó có phản ứng phản vệ rất nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng.

Thứ tư, Carrageenan được dùng thay thế cho sữa, thức uống từ đậu nành và các đồ chay tráng miệng. Tuy nhiên, những người có tiền sử mắc bệnh viêm ruột (IBD) hoặc rối loạn tiêu hóa không nên sử dụng thành phần này vì chúng có thể khiến bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn.

Thứ năm, Protein thực vật bị thủy phân (HVP) là một trong những hương vị đậu nành rất phổ biến trong thức ăn chay, chứa các hợp chất giống bột ngọt (MSG) nên có thể gây ra những tác động tương tự.

Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe, những ai muốn thưởng thức món ăn chay ngoài thị trường cần lưu ý lựa chọn trước khi sử dụng, tránh “lợi bất cập hại”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang