Rằm tháng Giêng nên chuẩn bị lễ cúng phật như thế nào?

authorTrần Thanh 12:00 08/02/2017

(VietQ.vn) - Ngày rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm hai lễ cúng: lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên. Cúng Phật: là mâm lễ chay tinh khiết, cùng hương hoa đèn nến.

Sự kiện: Văn hóa Việt Nam

Ngày rằm tháng Giêng còn có nhiều tên khác như Tết nguyên tiêu, Tết thượng nguyên. Theo quan niệm từ xưa, đây là thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm.

Người theo đạo Phật thường cúng chay trong ngày này, cũng tùy theo tín ngưỡng mà có gia đình cúng Phật, có nhà cúng Thổ công, cũng có hộ cúng Thần tài. Nhưng không thể thiếu mâm cúng gia tiên, tạ ơn ông bà, cha mẹ đã phù hộ cho con cháu phước lành và giải trừ tai ương cho một năm mới

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn được gọi là tết muộn. Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng có ý nghĩa không khác gì ngày Tết nguyên đán. Sau rằm tháng Giêng mới là thời điểm chính thức bước vào mùa lao động mới, kết thúc quãng thời gian ăn chơi đầu xuân.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng... Nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Mâm lễ chay ngày rằm tháng Giêng thể hiện sự thanh thản trong tâm hồn

Mâm lễ chay ngày rằm tháng Giêng thể hiện sự thanh thản trong tâm hồn

Đã là lễ tết, cúng bái thì đương nhiên có mâm cỗ để khi bái tất trong gia đình quây quần bên nhau hoặc mời thêm bà con chòm xóm. Gia đình theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào...

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.

Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn. Ở các chùa thôn quê, làng quê, cỗ bàn chỉ dùng tương chao, hoa quả nấu với đậu khuôn, đậu phụng, dầu phụng, không thêm nhiều hương liệu nên khi ăn người ta hay bảo nhau: ăn chay phải trộn nhiều món vào một tô mới ngon.

Người ta cũng tránh chế biến thức ăn chay thay hình dạng tôm kho, thịt nướng, cho rằng làm như thế là cái tâm vẫn còn vọng tục, vẫn còn hướng về mặn, khó coi. Làm thức ăn chay khó hơn thức ăn mặn. Tương ngon dùng gạo, nếp, đậu nành ủ mốc, phải vừa đủ mẳn, có vị ngọt, không chua, không hôi. Món chao và đậu dầm cũng phải khéo tay mới không có mùi khó chịu.

Trần Thanh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang