Rạng sáng ngày 17/7, bão số 2 tiến sát đất liền: Từ Hà Nội tới Hà Tĩnh có nguy cơ ngập lụt

author 05:06 17/07/2017

(VietQ.vn) - Với tốc độ di chuyển như hiện nay thì từ đêm nay đến rạng sáng mai, bão sẽ áp sát vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, sớm thì 1h, muộn thì 7h sáng mai, bão số 2 sẽ vào đất liền.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12

Theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, 20h ngày 16/7, bão số 2 cách Thanh Hóa - Hà Tĩnh 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, 20km/h, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, Bãi Cháy có gió giật mạnh cấp 7, đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh cấp 8, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) giật cấp 8; ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 247mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 177mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 206mm, Cồn Cỏ (Quảng Trị) 291mm…

Bão số 2

Đường đi và vị trí của cơn bão số 2 (Ảnh: Nchmf).

Đến 1h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.

Trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m

Từ ngày 17-20/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m.

Lũ lớn trên các sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Ngoài ra, ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành để ứng phó với bão số 2, ông Trương Đức Nghĩa - Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn - cho biết, bão số 2 có diễn tiến nhanh, khó lường, không loại trừ có thời điểm sẽ đặc biệt phức tạp. Với tốc độ di chuyển như hiện nay thì từ đêm nay đến rạng sáng mai, bão sẽ áp sát vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, sớm thì 1h, muộn thì 7h sáng mai, bão số 2 sẽ vào đất liền.

Hà Tĩnh đang di dời hàng nghìn dân

Theo Pháp luật TP.HCM, chiều tối 16/7, tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành di dời hàng nghìn người dân tại các địa bàn xung yếu ven biển và khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã yêu cầu: Đến 17 giờ chiều 16/ 7, tất cả tình huống ứng phó bão phải được kiểm soát, nhất là các địa phương ven biển. Mặt khác, yêu cầu tất cả hệ thống cống của hồ đập phải được vận hành, kiểm soát tình huống. Các địa phương phải kiểm tra cụ thể tận cơ sở và xây dựng kịch bản mưa 300 mm để có phương án xử lý lũ quét có thể xảy ra tại các vùng miền núi Hương Sơn, Vũ Quang.

Bênh cạnh đó, lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo việc bảo vệ công trình đê ven biển, yêu cầu các nhà thầu huy động vật tư, máy móc, nhanh chóng gia cố tạm thời các điểm xung yếu.

Bão số 2

Các tàu thuyền vào neo đậu ở bờ biển Hà Tĩnh (Ảnh: Pháp luật TP.HCM).

Đồng thời, Ông Ngô Đức Hợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho biết: Để có thể đảm bảo an toàn, ngư dân cần chủ động neo buộc, tấp bạt trước khi bão đổ bộ vào. Hiện tại, đến 17 giờ ngày 16/7, toàn bộ 6.102 tàu thuyền với hơn 17.000 lao động của tỉnh Hà Tĩnh đã vào neo đậu an toàn tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An. 

Cũng theo đó, tại huyện Nghi Xuân đang tiến hành di dời 457 hộ dân với trên 1.100 người tại các xã đến nơi trú ẩn an toàn như: trụ sở UBND xã, nhà cao tầng của các hộ dân, trường học...

Ngoài ra, ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, việc sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng ven biển cũng được các địa phương chủ động triển khai và yêu cầu tất cả lao động không được ở lại các chòi nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn tính mạng.
Tỉnh Hà Tĩnh đang có gần 44.400 ha lúa hè thu trong thời kỳ đứng cái làm đòng, nếu diễn biến mưa lớn từ 200-300mm, tình hình dự báo sẽ rất nguy hiểm cho sản xuất và các hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Lan Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang