Rao bán nhà máy bột giấy Phương Nam đặt tại tỉnh Long An

authorĐỗ Thu Thoan 07:10 16/07/2017

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Công Thương đã có phương án thẩm định giá trị tài sản của nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An), trên cơ sở báo cáo của Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Sự kiện: Kinh doanh

Theo Vneconomy, giá trị của nhà máy này được xác định là 1.712 tỷ đồng, bao gồm tổng tài sản và hàng tồn kho. Nhà máy bột giấy Phương Nam được xây dựng tại Long An, có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên 3.409 tỷ đồng.

Dự án Bột giấy Phương Nam được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy. Đến năm 2009, dự án được chuyển từ chủ đầu tư Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), báo Dân trí thông tin.

Theo Vneconomy, đáng chú ý, vốn chủ sở hữu khi xây dựng dự án chỉ có 39,3 tỷ đồng (khoảng 1% so với tổng vốn đầu tư), công ty đã đi vay được 2.597,1 tỷ đồng. Công suất nhà máy thiết kế là 100.000 tấn bột giấy/năm.

rao-ban-nha-may-bot-giay-phuong-nam-dat-tai-tinh-long-an

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đặt tại tỉnh Long An. Ảnh Vietnamnet

Dẫn thông tin báo Vietnamnet đăng tải, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong những dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Trong quá trình đầu tư dự án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký thư bảo lãnh khoản vay Ngân hàng Societe Generale (Pháp) trị giá 67 triệu Euro cho dự án. Nhưng việc dự án không thể hoàn thành đã khiến Bộ Tài chính phải đứng ra “trả nợ thay”.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã phải cho dự án này vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng Societe Generale, không tính lãi đối với các khoản vay này và cho phép chưa phải nộp phí bảo lãnh cho đến khi dự án đi vào hoạt động và có lãi. Tuy nhiên đến nay dự án đã cho thấy không hiệu quả.

Cũng theo Vneconomy, nhà máy sử dụng công nghệ hoá nhiệt cơ của nhà cung cấp Andritz AG (Áo), là công nghệ mới. Dây chuyền thiết bị theo hồ sơ tài liệu cung cấp thì tương tự các dây chuyển sản xuất từ gỗ mà Andritz AG cung cấp cho các đối tác trên thế giới.

Công nghệ hoá nhiệt cơ này tuy đã được áp dụng thành công vào thực tế sản xuất đối với nguyên liệu gỗ nhưng chưa được áp dụng vào bất kỳ nhà máy nào trên thế giới để sản xuất bột thương phẩm từ cây đay hoặc các nguyên liệu thực vật tương tự, báo cáo nêu.

Theo UBND tỉnh Long An, dự án được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco. Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng. Sau đó, Vinapaco đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố. Do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng.

Tháng 9/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của nhà máy.

Nguyên nhân khiến nhà máy “ngàn tỷ” này phải đắp chiếu được giải thích do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Vinapaco, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang