Rào cản nào "ngăn" công nghệ LED phát triển?

author 16:28 20/07/2012

(VietQ.vn) - Công nghệ chiếu sáng bằng LED, có hàng loạt ưu điểm vượt trội so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống như tuổi thọ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường... Tốt như thế, nhưng ở Việt Nam lại không được đánh giá cao và sử dụng rộng rãi. Vì sao lại có nghịch lý này?

Theo TS. Nguyễn Văn Thao – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghệ và Dịch vụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công nghệ chiếu sáng bằng LED là một trong những hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng của nhiều quốc gia với hàng loạt ưu điểm vượt trội so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống như tuổi thọ cao (lên tới 50.000 – 60.000 giờ), chất lượng chiếu sáng tốt (hiện lên tới 150Lm/W), độ trả màu cao, thân thiện với môi trường (không có thủy ngân), có khả năng tích hợp với các công nghệ điều khiển khác như dimming, năng lượng tái tạo… và đặc biệt là khả năng tiết kiệm điện rất lớn (30 – 70%).

Với rất nhiều ưu điểm nhưng đèn LED giá thành vẫn còn cao.
Với rất nhiều ưu điểm nhưng đèn LED giá thành vẫn còn cao.
Việc áp dụng rộng rãi công nghệ chiếu sáng LED sẽ góp phần quan trọng trong tiết kiệm điện năng, đặc biệt là vào thời gian cao điểm tối. Đây cũng là một đóng góp đáng kể cho việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo một tài liệu của McKinsey & Campany, Inc (Hoa Kỳ) công bố mới đây, dự báo đến năm 2020, sản phẩm công nghệ LED chiếm trên 70% thị trường chiếu sáng nói chung, doanh thu đạt gần 100 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm 45%, châu Âu 25%, và Bắc Mỹ 20%.

Ở Việt Nam, công nghệ LED cho chiếu sáng tổng thể còn rất mới mẻ. Vì vậy, việc phát triển và ứng dụng đèn LED phục vụ chiếu sáng tổng thể không chỉ là xu hướng chung của tất cả các quốc gia trên thế giới mà còn của Việt Nam. Kết thúc giai đoạn 1 (2006 – 2010) của Chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ kết quả nhận được từ các dự án trong khuôn khổ chương trình và toàn bộ các dự án tiết kiệm năng lượng triển khai trên phạm vi toàn quốc của các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, địa phương, tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 4.900 KTOE tương ứng 3,4%, quy đổi ra tương đương với 56,9 tỷ kwh, hoặc năng lượng của hơn 35 triệu thùng dầu thô.

Một minh chứng cho thấy công nghệ tối ưu của LED là dự án thay đèn sợi đốt bằng đèn LED ở 45 cửa hàng ăn tại Hoa Kỳ. Tổng số bóng thay thế là 1.600 bóng, thắp sáng 16 giờ một ngày đêm, thì chất lượng chiếu sáng LED tốt hơn từ 1,5 đến 2 lần, lượng điện tiêu thụ giảm 49 kw. Trong một năm tiết kiệm được hơn 283 nghìn kwh, tương đương tiết kiệm gần 200 nghìn USD. Với tuổi thọ của đèn LED là 20.000 giờ, thì trong 5 năm, 45 cửa hàng sẽ tiết kiệm được gần 1 triệu USD.

Còn trong ngư nghiệp, việc thay đèn Metal Halide 1,5 kw bằng 48 đèn LED loại 72W sẽ tiết kiệm được 80% chi phí nhiên liệu, tăng sản lượng đánh bắt cá lên 24,5%, mực lên 41,6%... Trong nông nghiệp, đèn LED ứng dụng để ươm tạo giống cây, trồng rau quả và hoa đã kích thích tốt sự sinh trưởng cho tất cả các loại cây trồng trong nuôi cấy mô, cải thiện đáng kể mật độ cây trồng, có thể chiếu sáng gần với cây mà không có hiệu ứng nhiệt gây hại cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản giúp tăng giá trị dinh dưỡng, giảm nồng độ nitrat 44 - 65% của rau quả…

Nhiều ưu điểm như vậy, nhưng khi triển khai tại Việt Nam công nghệ LED đang gặp phải nhiều khó khăn và rào cản. Hiện nhiều cơ quan, ban ngành và người dân thiếu kiến thức, hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ này. Thiếu trình độ chuyên môn trong việc xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống công nghệ LED. Thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan R&D (nghiên cứu và phát triển), cơ quan đánh giá chất lượng sản phẩm và các nhà sản xuất, cung cấp các sản phẩm LED, dẫn đến tình trạng sản xuất, lắp ráp đèn LED một cách tự phát, vì vậy chất lượng thấp, mất lòng tin của khách hàng.

Hơn nữa, theo GS Phan Hồng Khôi – Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Giám đốc điều hành Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam, hiện chưa có chính sách cụ thể và hiệu quả cùng với các công cụ chính sách đi kèm nhằm khuyến khích việc phát triển và thực hiện công nghệ LED ở Việt Nam. Thị trường chiếu sáng LED hiện đang rất hỗn độn với đủ các chủng loại sản phẩm và chất lượng. Thiếu hệ thống cung cấp thông tin hướng dẫn, tư vấn vì vậy làm cho khách hàng nhầm lẫn trong lựa chọn, thiếu lòng tin về chất lượng và lợi ích của công nghệ này mang lại.

Công nghệ LED cần cơ chế để đi vào cuộc sống.
Công nghệ LED cần cơ chế để đi vào cuộc sống.

Thời gian tới để thị trường chiếu sáng LED phát triển tốt và bền vững ở Việt Nam, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để dỡ bỏ các rào cản đó. Nhà nước cần ban hành và thực thi những chính sách, quy định nhằm khuyến khích phát triển công nghệ sản xuất LED. Cần có lộ trình phát triển công nghệ chiếu sáng LED thay thế các nguồn sáng truyền thống, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm đèn chiếu sáng LED. Tăng năng lực cho các phòng đo lường kiểm tra chất lượng sản phẩm LED.

Ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện để sản xuất đèn LED và quan trọng hơn cả là công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công nghệ chiếu sáng LED và hướng dẫn cách sử dụng. Các cơ quan truyền thông, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ chiếu sáng cần cung cấp thông tin đúng, đầy đủ và rõ ràng cho người tiêu dùng về ưu nhược điểm của sản phẩm LED…

Quang Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang