Rau muống, rau cải, đậu đỗ chứa tồn dư hóa chất

author 22:34 21/11/2012

Cục Bảo vệ thực vật vừa kiểm tra 50 mẫu rau sống gồm xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy 58% mẫu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV và 40% mẫu có kim loại nặng

Thông tin do Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết trong buổi họp giao ban về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản chiều 20/11.

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết,  trong thời gian vừa qua, Cục đã tiến hành kiểm tra 50 mẫu rau sống gồm xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy 58% mẫu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV và 40% mẫu có kim loại nặng. Tuy nhiên ông Hồng khẳng định dư lượng này đạt ngưỡng an toàn đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm.

Nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đáng chú ý nhất đối với các sản phẩm rau tươi là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó, nhóm rau ăn lá như rau muống, rau cải, rau ngót có nguy cơ cao nhất, tiếp đến là đậu đỗ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, cải bắp, nhóm rau ăn củ, các loại rau ăn như bầu bí, su su, cà chua… là những sản phẩm ít có mẫu phát hiện dư lượng vượt mức tối đa cho phép.
Rau là món ăn không thiếu trong bữa ăn hàng ngày
 
“Trong nhóm rau ăn lá, rau cải, rau muống và rau ngót có tỷ lệ tồn dư hóa chất cao hơn cả”, ông Hồng cho biết thêm.
 
Dựa trên kết quả khảo sát năm 2011 đánh giá theo địa phương, ông Hồng chỉ ra: tỷ lệ mẫu giám sát có dư lượng vượt mức tối đa cho phép (MRL) miền Bắc cao nhất, tiếp đến TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng.
 
Trong số 25 hoạt chất thuốc BVTV thường phát hiện vượt mức dư lượng tối đa cho phép, tần suất cao nhất là cypermethrin, acephate, permethrin, indoxacarb, fenobucarb… Theo ông Hồng, cypermethrin, fipronil là loại độc nhóm 2, không được dùng trong rau xanh, nhưng cypermethrin lại luôn tồn tại dư lượng lớn.
 
Trấn an tinh thần người tiêu dùng trước thông tin thuốc độc nhóm 2 không được sử dụng nhưng tồn dư lượng lớn trong rau, ông Hồng khẳng định: Tất cả các loại thuốc BVTV có chất gây ung thư, đột biến gen, gây ảnh hưởng sinh sản  đều bị loại khỏi danh mục cho phép không chỉ riêng Việt Nam mà cả Thế giới, ngoài ra còn bị truy tận gốc ngay tại các cơ sở sản xuất, họ không được phép sản xuất.
 
Nói về vấn đề rau tồn dư thuốc BVTV có nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài, ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: Nếu như rau đã ở mức an toàn, tức là dưới mức tối đa cho phép thì không lo rất an toàn có thể dùng thoải mái.
 
“Các nước phát triển cũng phát hiện tới trên 80% sản phẩm rau có chứa dư lượng thuốc BVTV nhưng dưới mức an toàn”, ông Hồng cho biết thêm.
 
Theo vị Cục trưởng Cục Bảo vật thực vật "Ở nước ta, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV là một thực tế, tuy nhiên theo kết quả khảo sát phân tích năm 2011 với 25 hoạt chất nguy cơ cao, ông Hồng chỉ ra: Việt Nam sản phẩm nông sản, thực phẩm có chứa dư lượng thuốc BVTV chỉ ở mức Trung bình khá 6% - 7% (2011) Thái Lan 10%, Malaysia trên 12%, Trung Quốc từ 2 -17%. Năm nay dự kiến trước 25/12 sẽ có kết quả mới, chúng tôi phấn đấu 5 năm nữa giảm xuống dưới 5%".
 
Khuyến cáo người tiêu dùng trước thực tế nhiều nguồn hàng hóa nông sản, thực phẩm hiện nay có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng bày tỏ: Người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn những loại rau quả có nguy cơ mất an toàn thực phẩm thấp hơn, hạn chế chọn rau ăn lá như rau muống, rau cải xanh; phải mua rau củ quả ở những cửa hàng rau an toàn có địa chỉ rõ ràng vì rau ở đó đã được kiểm định chất lượng và tạo động lực khuyến khích người nông dân sản xuất. 
 
“Cách tính ngưỡng tối đa cho phép do Ủy ban Thực phẩm Quốc tế thử nghiệm trên một số mẫu cấy ghép và đưa ra ngưỡng an toàn chứ không phải tự Việt Nam xây dựng nên dù có dư lượng thuốc BVTV nhưng trong ngưỡng an toàn vẫn yên tâm sử dụng”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản nói.
 
Hiện nay, hàng hóa nông sản, nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm được nhập khẩu từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau vào nước ta nhưng mới chỉ có 13 quốc gia được công nhận, trong đó 11 quốc gia được công nhận chính thức và 2 quốc gia được công nhận tạm thời, có đảm bảo an toàn rau xanh nhập cho người tiêu dùng.
 
Ông Hồng khẳng định: Các nước chưa được phép nhập khẩu hàng hóa nông sản vào nước ta là do họ chưa làm xong thủ tục giấy tờ, còn tất cả các mặt hàng trước khi vào Việt Nam đều phải tiến hành kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm giống như các nước đã được công nhận. Điều đáng lo ngại ở đây chỉ là sau ngày 31/12 các nước chưa làm xong thủ tục sẽ bị chốt lại không được phép nhập nữa, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.
 
Infonet
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang