Rau ngót “bẩn”: Rau lành thành rau độc

author 06:44 10/07/2013

(VietQ.vn) – Thông tin về 7 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép khiến cho người tiêu dùng lo lắng bởi không chỉ được coi là món rau lành, nhiều người còn cho phụ nữ sau sinh ăn sống.

Khó biết được những bó rau ngót xanh non mơn mởn có chứa tồn dư thuốc BVTV hay không? <br>
Khó biết được những bó rau ngót xanh non mơn mởn có chứa tồn dư thuốc BVTV hay không? Ảnh: Uyên Chi

Rau ăn lá dễ nhiễm thuốc trừ sâu

Kết quả kiểm nghiệm của Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) mới đây cho thấy nếu mướp đắng chỉ có 2/25 mẫu phát hiện mức dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép, thì ở rau ngót – một loại rau ăn lá chiếm tới 7/12 mẫu, phát hiện này đã khiến cho nhiều người tiêu dùng sửng sốt vì lâu nay, rau ngót vốn là một loại rau lành được nhiều người sử dụng để ăn sống, thậm chí giã lấy nước cho phụ nữ sau sinh uống.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, hiện rau ngót đang vào mùa và được bán rất nhiều tại các chợ. Rau ngót được các tiểu thương bán gồm hai loại, một loại cành dài, loại khác chỉ là nhánh lá, tất cả loại rau này đều xanh mơn mởn.

Đặt vấn đề là tại sao cây rau ngót lại tươi tốt và lá luôn có màu xanh non như bị bón phân kích thích, chị Thu, bán rau ở chợ Cống Vị ( Ba Đình, HN) cho hay, trước thì rau ngót theo mùa, thường thì mùa hè là mùa rau ngót nhưng hiện nay người trồng sử dụng các loại thuốc BVTV tránh sâu bọ và dùng các loại phân bón tưới tiêu nên giờ rau ngót rất non và xanh. “Người ta tưới tắm thế nào người bán và người mua không hề hay biết, với tâm lý người mua ai cũng muốn chọn mớ rau non, đẹp mắt chứ mấy ai hỏi tại sao nó non xanh bao giờ đâu”, chị Thu giải thích.

Rau ngót là loại rau ăn lá có nhiều nguy cơ mất an toàn

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một nông dân chuyên sản xuất rau sạch tại xã Vân Nội ( Hà Đông), theo quy trình thì người sản xuất phải phun thuốc trừ sâu sau 21 ngày mới được thu hoạch, đây là thời gian cách ly an toàn để thuốc trừ sâu bay và được tẩy rửa qua sự sinh trưởng và phát triển của cây

Nhưng một số những loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, dưa chuột, rau ngót thì tổng thời gian gieo trồng chỉ khoảng 20 - 30 ngày có thể thu hoạch, mà người sản xuất sẽ phun thuốc trong giai đoạn sâu phát triển nhất (lá non) là thời gian sau trồng 2 tuần, như vậy thời gian cách ly thuốc trừ sâu không thể đủ để an toàn.

“Đối với những nơi sản xuất rau an toàn, chúng tôi phải tuân thủ những quy định theo đúng cam kết, nhưng thực tế nhiều hộ vẫn không làm chặt chẽ điều này, huống hồ những nơi trồng rau không có ai giám sát. Vì năng suất và lợi ích họ có thể sử dụng thuốc BVTV không đúng cách và người ăn mới là người bị ảnh hưởng”, người nông dân này nói.

Nguy cơ gây ngộ độc cao

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT cho biết, đã lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là những loại rau, quả có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.

Kết quả kiểm tra cho thấy, rau ngót, có 7/25 mẫu phát hiện mức dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép. Về mướp đắng, có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép. Theo ông Hồng, dù kết quả kiểm định rau ngót phát hiện 7 mẫu có dư lượng thuốc BVTV nhưng vẫn ở mức an toàn với người tiêu dùng nếu biết cách chế biến hợp lý, ăn chín, uống sôi.

Nhiều phụ nữ sau sinh coi nước rau ngót sống là vị thuốc

Tuy nhiên, trước những kết quả kiểm nghiệm trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lại cho rằng: “Cần phải rà soát lại quy trình sản xuất xem vì sao người dân lại sử dụng nhiều thuốc BVTV đối với rau ngót như thế. Rau ngót được coi là loại rau lành, nhiều nơi còn ăn sống, thậm chí phụ nữ sinh con còn giã ra lấy nước uống... nên cần phải làm rõ vấn đề này, vì có hợp chất sẽ bị tiêu hủy khi nấu chín nhưng có hợp chất vẫn còn tồn dư. Dù chưa nguy hiểm nhưng vẫn phải cảnh báo”.

Theo các bác sỹ y khoa, nếu ăn phải những loại rau quả còn tồn dư thuốc BVTV sẽ gây ra ngộ độc, tiêu chảy. Mặt khác, tình trạng nhiễm nitrat từ đạm bón cho rau quả rất nhiều, nếu bón không cân đối, dư lượng nhiều trong rau quả có thể là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản, dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận..

Để tránh mua phải những loại rau mất an toàn, bác sỹ Ngô Hồng Thúy (Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện E, Hà Nội) khuyên nên mua rau ở những nơi uy tín, tốt nhất nên chọn rau an toàn. Để giảm bớt sự ô nhiễm của thuốc trừ sâu thì trước khi chế biến nên rửa, ngâm nước muối và gọt vỏ có thể giúp giảm thiểu lượng thuốc sâu đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, một số loại thuốc trừ sâu tìm thấy trên bề mặt rau quả nhưng một số khác lại theo rễ đi vào các bộ phận khác của cây trồng, vì thế không thể rửa sạch chúng, bác sỹ Thúy cảnh báo.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang