Rau quả Việt Nam tiến vào EU: Cần sản xuất theo hướng an toàn

author 09:08 01/10/2020

(VietQ.vn) - Rau, củ, quả của Việt Nam được đánh giá đang rộng cửa vào Liên minh Châu Âu (EU) kể từ ngày 1/8/2020 khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội này, nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam và kết nối doanh nghiệp cung cấp Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ hoa quả tiềm năng ở thị trường EU nói chung và thị trường Hà Lan nói riêng, ngày 29/9/2020, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến rau, củ, quả Việt Nam – Hà Lan 2020.

Hội nghị giao thương trực tuyến rau, củ, quả Việt Nam – Hà Lan 2020 

Hội nghị thu hút sự tham gia của 22 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam, 10 nhà nhập khẩu rau, củ, quả quan trọng của Hà Lan và 12 cơ quan, doanh nghiệp khác của Hà Lan quan tâm tới thương mại rau, củ, quả.

Hà Lan – cửa ngõ để rau, củ, quả Việt Nam tiến vào EU

Do tác động của dịch Covid 19, xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam gặp nhiều khó khăn thời gian qua. 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau, quả ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu rau, củ, quả sang EU thời gian tới sẽ khởi sắc. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, EVFTA đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan.

Theo ông Vũ Bá Phú, EU là thị trường năng động, những cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực thương mại rau, củ, quả tập trung quan trọng trong các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan – nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua. Bởi từ lâu nay, Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả.

Ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cho biết, EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Hải Tịnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiện hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho châu Âu vào EU thông qua Hà Lan. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều nước Châu Âu khác.

Sản xuất an toàn- yêu cầu bắt buộc

Mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả đầy tiềm năng nhưng lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Trong nhóm rau, củ, quả tươi xuất khẩu sang khu vực EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài...

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.

Khi xuất khẩu rau, quả sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả ngành rau quả Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc.

Những năm gần đây, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân tại nhiều khu vực ở châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành rau, củ, quả Việt Nam.

Rau quả Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác EU 

Cùng với đó, các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác EU, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều nước trong EU.

Việc tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến rau, củ, quả Việt Nam - Hà Lan 2020 là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hà Lan cũng như EU, từ đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này. Đồng thời, sự kiện cũng góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành rau quả vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đóng góp vào sự phát triển quan hệ thương mại bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan - ông Vũ Bá Phú cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang