Rau rừng giá ‘chát’ chị em công sở vẫn đổ xô mua vì lạ miệng

author 20:00 18/04/2018

(VietQ.vn) - Những loại rau rừng như rau rớn, bò khai, tầm bóp, măng đắng … đang được rao bán với mức giá khá đắt đỏ trên chợ mạng.

Nếu trước đây, rau rừng còn xa lại với mọi người nhất là phụ nữ công sở sống ở thành phố thì bây giờ các loại rau rừng đã được rao bán và “hút” người dùng. Hơn nữa, dù có giá khá đắt đỏ lên đến 200.000 đồng/kg nhưng rau rừng xuống phố bao nhiêu là hết sạch bấy nhiêu.

Hiện nay, những loại rau rừng như rau rớn, bò khai, tầm bóp, măng đắng… đang được bán nhiều trên chợ online. Theo chia sẻ của chị Hà Thị Thu Huyền (một người bán rau rừng quê tại Sơn La) thì khoảng thời gian đầu mùa hè luôn là dịp mà nhiều loại rau rừng sinh trưởng tốt nhất. Đây cũng là thời điểm ăn rau rừng ngon nhất vì rau sẽ đỡ đắng, chát.

“Nhà tôi ở Sơn La nên tôi thường nhờ mẹ mua lại rau của bà con đồng bào các dân tộc khi đi rừng về. Sau đó, mẹ gửi xe khách xuống Hà Nội và tôi bán trên mạng xã hội Facebook. So với các loại rau nhà trồng thì rau rừng dễ bảo quản, dù trong quá trình vận chuyển có bị héo nhưng chỉ cần tưới một chút nước rau sẽ tươi trở lại. Bởi, do đặc thù sống tự nhiên tại nơi hoang dã nên rau cũng thích nghi được thời tiết khắc nghiệt”, chị Huyền chia sẻ.

Rau rừng giá ‘chát’ chị em công sở vẫn đổ xô mua vì lạ miệng

 Rau rừng đang được chị em công sở mua nhiều vì lạ miệng.

Hiện tại, chị Huyền bán các loại rau rừng với mức giá khá cao. Theo đó, giá rau bò khai (rau da hiến)  giá khoảng 100.000 – 150.000 đồng/kg, rau sắng (rau ngót rừng) có giá 90.000 – 130.000 đồng/kg, rau tầm bóp 60.000 đồng/kg, rau pắc khỉ 90.000 đồng/kg, măng sặt có giá 80.000 đồng/kg, măng đắng có giá 60.000 đồng/kg… Nếu khách hàng mua nhiều thì sẽ được chị Huyền miễn phí tiền vận chuyển.

“Rau xuống Hà Nội lúc nào là hết sạch lúc đó. Mỗi tuần, mẹ tôi ở quê gom 2 đợt và chuyển xuống Hà Nội vào sáng sớm thứ 3 và thứ 6. Tôi thường rao bán trên các hội nhóm Facebook và nhận đơn từ người mua. Khi rau được gửi xuống Hà Nội tôi ra bến xe lấy về và phân chia theo đơn khách hàng đã đặt. Nhiều khi, lượng khách đặt nhiều quá, rau xuống Hà Nội không đủ chia cho mọi người. Khoảng một tuần nay tôi không rao bán trên mạng xã hội nữa. Bởi vì, khách ăn quen và cứ hết họ lại đặt. Cho nên, chỉ bán cho khách quen đã đủ hết rau rồi”, chị Huyền nói thêm.

Rau rừng giá ‘chát’ chị em công sở vẫn đổ xô mua vì lạ miệng

 Các loại rau này được bán trên mạng xã hội với mức giá khá cao.

Còn tại cửa hàng chuyên cung cấp rau rừng cho các quán ăn, nhà hàng của anh Nguyễn Tiệp (Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội), mỗi ngày cửa hàng anh cung cấp hơn 300kg rau, măng, củ, quả rừng các loại cho 6 nhà hàng tại nội thành Hà Nội để chế biến những món ăn đặc sản. Tuy nhiên, anh Tiệp cho biết, giá thành cung cấp cho nhà hàng cũng rẻ hơn so với một số người bán hàng online. Tuy nhiên, so với những loại rau được trồng thì cũng đắt gấp chừng 5 – 6 lần.

Theo chị Nguyễn Hoài Thu, một người “nghiện” các loại rau rừng cho biết, lý do rau rừng được săn đón cũng bởi các loại thực phẩm buôn bán ngoài chợ không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, rau rừng là loại rau sạch, hơn hết vị lạ miệng, nếu biết chế biến thì sẽ trở thành một món đặc sản mà ăn ngon hơn nhiều loại thịt, cá.

“Dù có ăn rau rớn, tầm bóp hay măng đắng bao nhiêu tôi cũng không thấy ngán như rau muống, mồng tơi hay rau ngót. Bởi, rau rừng có vị riêng. Nếu không biết chế biến và mới đầu ăn không quen có thể đắng và chát. Nhưng, khi ăn quen rồi thì rau rừng rất ngọt và bùi. Tôi thực sự “nghiện” món cải mèo xào bò hay rau tầm bóp xào ngan”, chị Thu nói.

Rau rừng giá ‘chát’ chị em công sở vẫn đổ xô mua vì lạ miệng

 Măng đắng cũng là loại rau rừng được chị em công sở săn lùng.

Hễ thấy bán rau rừng trên chợ online là chị Thu cũng đặt mua một số lượng lớn và về để tủ lạnh ăn dần. Không chỉ với chị Thu mà nhiều người dân Hà Nội cũng đang thay đổi xu hướng lựa chọn rau rừng để ăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, một số loại rau rừng nhất là măng có thể sẽ chứa độc tố. Do đó, người mua khi sử dụng cần tìm hiểu kĩ các phương pháp chế biến để đảm bảo an toàn cho bữa cơm hàng ngày. Hơn nữa, có nhiều loại rau rừng có thể gây nên hiện tượng dị ứng khi sử dụng với một số người. Nếu xuất hiện các dấu hiệu dị ứng như nổi mẩn, ngứa, mề đay… thì người dùng không nên sử dụng.

 Trần Đăng Duy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang