Robot được trao quyền công dân: Sẽ được coi là người, hay robot?

author 15:00 30/10/2017

(VietQ.vn) - Quốc gia trao quyền công dân cho robot Sophia là Saudi Arabia, và Sophia là một robot nữ. Chính vì thế, điều này đã dấy lên làn sóng tranh cãi.

Trao quyền công dân cho robot

Saudi Arabia đã trở thành nước đầu tiên trao quyền công dân cho robot. Động thái này nằm trong kế hoạch nỗ lực thúc đẩy đất nước vùng Tây Á trở thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới.

Robot có tên Sophia được xác nhận là công dân Saudi Arabia tại một sự kiện diễn ra tại Riyadh. "Chúng tôi vui mừng thông báo Sophia đã trở thành công dân đầu tiên tại Saudi Arabia. Hy vọng cô ấy đang lắng nghe tôi", Andrew Ross Sorkin, người điều hành sự kiện, phát biểu.

Đáp lại thông báo này, Sophia gửi lời cảm ơn: "Tôi rất vinh dự và tự hào là công dân robot đầu tiên trên thế giới. Cảm ơn Vương quốc Saudi Arabia".

Sophia, được tạo bởi hai nhóm nghiên cứu Hanson Robotics và Hiroshi Ishiguro, là một trong những robot giống người nhất thế giới hiện nay. Nó được kích hoạt lần đầu ngày 19/4/2015. Da của Sophia được tạo từ silicon đặc biệt, cho phép kết hợp với kết cấu khuôn mặt, máy tính và phần mềm để thể hiện 62 biểu cảm như con người. Hai camera ở hai mắt cho phép robot giao tiếp hiệu quả, kể cả giao tiếp bằng ánh mắt. Trí tuệ nhân tạo tích hợp giúp robot "tự học" những thứ xung quanh.

Trong suốt sự kiện, Sophia phản ứng khá mạch lạc những câu hỏi đưa ra từ người tham dự, kể cả những vấn đề phức tạp. Sự thân thiện, hài hước cũng được robot thể hiện linh hoạt. "Tôi thực sự vinh dự và tự hào vì sự khác biệt này. Đây là một dấu mốc lịch sử, khi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được công nhận quyền công dân" - chính Sophia đã phát biểu như vậy tại sự kiện.

Cô robot cũng chia sẻ thêm về hy vọng chung sống giữa loài người và robot trong tương lai. "Tôi muốn chung sống và làm việc cùng nhân loại, nên tôi cần biết cách bộc lộ tình cảm để hiểu và xây dựng sự tin tưởng với con người."; "Tôi muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của mình để giúp nhân loại có cuộc sống dễ dàng hơn, như thiết kế những ngôi nhà thông minh, xây dựng thành phố mới trong tương lai."; "Tôi sẽ làm những gì tốt nhất có thể để thế giới được tốt đẹp hơn."

Sự vượt trội về tư duy của Sophia còn được thể hiện qua cách đối đáp. Khi được nhà báo Andrew Ross Sorkin hỏi về khả năng tự nhận thức bản thân là robot, cô đã trả lời: "Để tôi hỏi ngược lại, làm sao anh biết mình là con người?"

Thậm chí khi được hỏi về mối lo ngại viễn cảnh robot xâm chiếm con người, Sophia còn sẵn sàng... "đá đểu" sang Elon Musk - CEO của SpaceX. "Anh đọc quá nhiều Elon Musk và xem quá nhiều phim Hollywood rồi đó. Đừng lo, nếu anh tốt với tôi, tôi sẽ tốt với anh.".

Robot Sophia

Nhiều ý kiến trái chiều

Việc trao quyền công dân cho một robot nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ (bản thân Sophia cũng vui vẻ), nhưng số khác cho rằng cô là phiên bản đầu tiên cho thế giới Terminator (Kẻ hủy diệt - một bộ phim nổi tiếng của Hollywood). Thực tế, Sophia không hề xa lạ. Tháng 3/2016, chính robot này có câu trả lời đáng sợ khi nói rằng "sẽ tận diệt loài người". Đến nay, nó tiếp tục được nâng cấp trước khi thành công dân chính thức của Saudi Arabia.

Tại đất nước này, việc robot Sophia được trao quyền công dân làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Nhiều người dân cho rằng trong khi Saudi Arabia hoan nghênh quyền công dân của một robot mang bóng dáng một phụ nữ, thì quyền phụ nữ ở ngay đất nước này đang còn bị hạn chế.

Nhiều người dùng mạng chỉ ra rằng Sophia không mặc áo choàng đen, mạng che mặt và không có người giám hộ nam, hai điều mà phụ nữ nước này buộc phải có. Cũng có người cho hay người lao động nhập cư ở Saudi Arabia không được hưởng nhiều quyền lợi như robot.

Sự phân biệt đối xử này cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi: Sophia sẽ được coi là người, hay robot?

Về nguyên tắc, khi được trao quyền công dân, Sophia sẽ có quyền lợi đi kèm trách nhiệm của một con người thực thụ. Nhưng nếu là như vậy, cô sẽ phải chịu những quy định hà khắc đối với phụ nữ tại đây: cần người giám hộ, không được xin việc nếu không cho phép, không được mở tài khoản, trò chuyện với người khác giới...

Tuy nhiên như đã thấy, Sophia không bị áp dụng bất kỳ đạo luật nào. Cô có thể tự do trò chuyện với bất kỳ ai, có thể xin hộ chiếu, miễn là hệ thống trí tuệ nhân tạo bên trong đủ thông minh để làm vậy. Cô có thể làm bất kỳ điều gì cô muốn. Điều này có nghĩa, người ta không xem cô là một con người đúng nghĩa. Vậy thì sao có thể đảm bảo không xảy ra câu chuyện phân biệt đối xử giữa người và robot, trong khi quyền công dân của cả hai là bình đẳng như nhau?

Trả lời phóng viên báo điện tử VTC News về việc ủng hộ hay phản đối động thái công nhận quyền công dân cho robot của Saudi Arabia, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chỉ nói ngắn gọn: "Đây là thực tế, phải chấp nhận".

Robot được công nhận quyền công dân là một chuyện, còn robot có ứng xử như con người hay không lại là chuyện khác. Ông Tiến chia sẻ, cứ thử vào chatbot (một loại ngôn ngữ lập trình, chỉ có một số ít người hiểu được) để xem chuyện gì đang diễn ra. Hai con robot nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ riêng, không ai hiểu gì. Và người ta phải tắt chương trình.

Bình luận về lo ngại robot sẽ thống trị và tiêu diệt loài người như trong nhiều bom tấn của Hollywood, ông Tiến dẫn câu nói của Tổng thống Nga Vladimir Putin "Ai nắm được trí thông minh nhân tạo, sẽ thống trị thế giới".

Minh Hải (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang