Rối loạn nhịp điệu sinh học có thể khiến bạn mắc trầm cảm

author 11:59 16/05/2018

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu được công bố ngày 15/5 trên tạp chí The Lancet Psychiatry cảnh báo, các gián đoạn trong nhịp điệu sinh học hàng ngày có thể gây ra rối loạn tâm trạng, khiến bạn dễ mắc trầm cảm và chất lượng giấc ngủ kém hơn.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu với hơn 91.000 người trưởng thành ở Vương quốc Anh, tuổi từ 37 đến 73. Họ tiến hành đo sự gián đoạn nhịp điệu sinh học hàng ngày bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là gia tốc kế được đeo trên cổ tay của những người tham gia.

Kết quả cho thấy những người bị gián đoạn nhịp điệu sinh học nhiều hơn, được xác định là hoạt động nhiều vào ban đêm, giảm hoạt động trong ngày hoặc cả hai, có nhiều khả năng xuất hiện các triệu chứng tương tự như rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm nặng. Họ cũng có nhiều khả năng ít cảm thấy hạnh phúc và chức năng nhận thức giảm.

Tiến sĩ Daniel Smith, giáo sư tâm thần học tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh và là tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Người ta biết rằng giấc ngủ  ngon là điều tốt cho sức khỏe, đó không phải là một bất ngờ lớn. Nhưng tôi nghĩ, ít người biết rằng không chỉ có giấc ngủ ngon quan trọng mà việc có nhịp điệu sinh học hoạt động trong ánh sáng ban ngày và hạn chế hoạt động về đêm cũng quan trọng bởi nó giúp mang đến cảm giác hạnh phúc hơn."

Gián đoạn trong nhịp điệu sinh học hàng ngày có thể gây ra rối loạn tâm trạng

Theo tiến sĩ Smith Các phát hiện đã được tìm thấy là phù hợp ngay cả khi có những yếu tố có ảnh hưởng bao gồm tuổi tác, giới tính, lối sống, giáo dục và chỉ số cơ thể.

Theo Viện Khoa học Y khoa Tổng quát Quốc gia Anh, nhịp điệu sinh học hàng ngày được kiểm soát bởi một tập hợp các tế bào thần kinh trong một vùng não gọi là vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi giúp điều chỉnh một số chức năng sinh lý và hành vi quan trọng như nhiệt độ cơ thể, thói quen ăn uống, cảm xúc và giấc ngủ ngon.

Những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu khác phát hành vào năm 2009 cho biết những người đàn ông làm việc ca đêm trong bốn năm hoặc hơn thường cảm thấy lo lắng và có nguy mắc trầm cảm cao hơn so với những người làm việc trong ngày. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trên quy mô lớn chỉ ra mối liên hệ giữa nhịp điệu sinh học với sức khỏe  tâm thần của con người. Các nghiên cứu trước đây được thực hiện với quy mô nhỏ hơn (chỉ vài trăm người), và thường dựa vào các biện pháp tự báo cáo (hỏi mọi người xem họ nghĩ gì) thay vị dựa trên các thiết bị đo khách quan như nghiên cứu này.

Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với những người sống ở khu vực đô thị, nơi nhịp điệu sinh học thường bị gián đoạn do ánh sáng nhân tạo.
Tiến sĩ Smith cũng cho biết: “Đến năm 2030, hai phần ba dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố, sống trong môi trường đô thị có thể khá độc hại đối với hệ sinh học vì bạn tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ về cách để giúp mọi người điều chỉnh nhịp điệu sinh học tự nhiên của họ về hoạt động và đảm bảo giấc ngủ hiệu quả hơn. Hy vọng rằng, điều đó sẽ bảo vệ rất nhiều người khỏi rối loạn tâm trạng."
Đối với những người đang phải đấu tranh để duy trì nhịp sinh học phù hợp, các biện pháp có thể giúp ích như như tránh sử dụng điện thoại, máy tính,... vào ban đêm giúp bạn ngủ ngon hơn.

An Nhiên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang