'Rối' tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội: Hệ quả của đầu tư sai lệch?

author 18:52 19/04/2015

(VietQ.vn) - Việc thay đổi nhanh chóng chính sách tuyển sinh vào lớp 6 ở Hà Nội là hệ quả của việc đầu tư sai lệch.

Sự kiện: Tuyển sinh 2018

Chiều 17/4, UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc vào yêu cầu sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo tất cả các trường THCS trên địa bàn thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT trong việc tuyển sinh lớp 6, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển, không tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm học.

Việc tuyển sinh vào lớp 6 tại Hà Nội vẫn được sở GD-ĐT HN triển khai theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HN, nhưng trước khó khăn thực tế của một số trường có nguyện vọng nhập học quá lớn so với chỉ tiêu, sở đã nghiên cứu các đề án đề xuất và xem xét cho phép tuyển sinh riêng đối với 3 trường nằm trong diện trường ngoài công lập và trường trực thuộc trường ĐH.

Quyết định này chưa tồn tại được 1 ngày thì lại tiếp tục bị bác nhằm thực hiện triệt để, không có ngoại lệ công văn của UBND TP Hà Nội.


"Rối" các phương án tuyển sinh lớp 6 ở Hà Nội. Trong ảnh là trường THPT Hà Nội - Amstecdam chỉ được xét tuyển

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, nhà giáo Bùi Việt Hà (tác giả SGK Tin học) cho biết: "Ở Việt Nam đã từ lâu phổ cập đến THCS, nghĩa là học sinh cứ học tuần tự và được xét lên lớp (không phải thi) từ lớp 1 đến lớp 9. Do vậy tất cả các trường THPT  và THCS công lập về nguyên tắc sẽ xét nhận học sinh theo địa bàn dân cư. Nên về lý thuyết, nếu có các trường dân lập thì các trường này cũng sẽ tuyển sinh theo địa bàn dân cư do đó cũng không có nhu cầu thi tuyển đầu vào.

Các trường chất lượng cao (nếu có) thì nên là là trường dân lập và tư thục, nhận học sinh vào với học phí cao hơn và do đó có thể có yêu cầu xét tuyển. Do vậy chỉ có các trường này mới được phép xét tuyển đầu vào. Do có học phí cao hơn và là trường tư thục nên việc xét tuyển vào các trường này sẽ không thể có tiêu cực nhiều và cũng không có quá nhiều gia đình có nhu cầu cho con em vào các trường này.

Nhưng do cách làm của chúng ta nên từ lâu đã hình thành nhiều trường công lập có cơ sở vật chất tốt, giáo viên tốt và nghiễm nhiên thành chất lượng cao. Bên cạnh đó còn có hệ thống trường chuyên công lập cũng vậy. Với các trường công lập không chuyên đã từ lâu có kẽ hở rất lớn cho tiêu cực là tuyển sinh "trái tuyến". Kẽ hở này sẽ cho phép các trường với chất lượng cao hơn sẽ "xét tuyển" đầu vào chặt hơn và tạo ra tiêu cực, luyện thi rất nhiều vào các trường này. Đã xuất hiện rất nhiều đường dây chạy vào các trường này với nhiều giá khủng khiếp.

Để khắc phục hiện tượng trên chủ trương của Bộ GD-ĐT và các Sở là nghiêm cấm tuyển trái tuyển và cấm xét tuyển vào 6 bằng cách thi. Như vậy về chủ chương chung là đúng. Nhưng cái khó là việc đó không dễ thực hiện vì thực tại hệ thống các trường của chúng ta đã tạo ra quá nhiều bất công, ví dụ: trường công đáng lẽ dành cho nhà nghèo thì lại thành trường chất lượng cao; trường tư thục đáng lẽ là trường chất lượng cao lại là các trường nghèo, tuyển sinh rất khó và hầu như chỉ dùng cho việc tuyển vét học sinh. Vì vậy, chủ trương chung trên có thể đúng nhưng thực tế rất khó thực hiện mà không gây ra bức xúc cho nhiều người.

Về câu chuyện đang xảy ra, rất khó để đánh giá. Theo tôi việc cấm thi xét tuyển để giảm tiêu cực ở các trường công lập là đúng, nhưng áp dụng cho cả trường dân lập Lương Thế Vinh là không nên. Mặt khác chuyện các trường này định làm một kỳ xét tuyển bằng các bài thi IQ, EQ thì lại càng sai nữa. 

Cách sửa lâu dài vẫn là nên xóa xổ tất cả cái gọi là trường chuyên, chọn, chất lượng cao của công lập. Các trường chất lượng cao này, nếu có hãy chuyển sang tư thục. Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, hợp lý chung cho đa số người dân, đặc biệt các nhà nghèo và học sinh khuyết tật".

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Dân lập Lương Thế Vinh phân tích: "Nền Giáo dục của chúng ta đã phổ cập đến bậc THCS. Điều đó có nghĩa là mọi học sinh đã học xong bậc tiểu học đều có quyền được học tiếp tục. Họ được xét tuyển theo tuyến, ai ở địa bàn nào, phường hay quận nào thì học tại các trường trên địa bàn đó, trừ một số trường hợp có thể nhận trái tuyến…Như vậy nói chung 99% học sinh không phải thi vào lớp 6. 

Ngoài các lớp THCS như bình thường chúng ta còn có một số trường lớp không mang tính phổ cập . Đó là các trường chuyên, các trường có chất lượng dịch vụ giáo dục cao, các trường tư thục…các trường này được phép tuyển sinh không theo tuyến, vì thế có một số trường thu hút nhiều học sinh đến nộp đơn xin học Trong trường hợp đó, như thường lệ, người ta thường tổ chức một kiểu kiểm tra, sát hạch, hay khảo sát nào đó … để lựa chọn học sinh theo đúng tiêu chí của trường mình….Số lượng các trường như vậy không nhiều, ở Hà Nội chỉ có 6 trên tổng số hơn 620 trường , chưa đến 1%. Nếu tính trên toàn quốc thì không đến 1% học sinh phải thi vào lớp 6".

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang