Rợn tóc gáy vì ốc dừa nhung nhúc sán

author 15:31 26/06/2014

(VietQ.vn) - Đoạn clip với nội dung ốc dừa chứa sán mới được đăng tải thu hút hàng nghìn lượt xem và like. Một thực khách đã dùng kim lôi ra được cả ổ sán màu trắng khi đi ăn ốc dừa tại cửa hàng ở TP.HCM.

Ốc Dừa từ lâu trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều bạn trẻ với giá cả phải chăng, dễ tìm, dễ mua cho những chiều tụ tập bạn bè. Tuy nhiên có lẽ không ít người đã giật mình và chột dạ khi xem clip trên.

 

Những con sán trắng được khêu ra từ những con ốc dừa (Ảnh cắt ra từ clip)

Những con sán trắng được khêu ra từ những con ốc dừa (Ảnh cắt ra từ clip)

Ổ sán trong ốc dừa 

Từ đoạn clip, người xem được "mục sở thị", người ăn khều và lôi hàng chục con giun sán ra khỏi thân ốc dừa. Và hầu như cứ mỗi con ốc dừa được động tới đều mang theo 1 con sán màu trắng, thân dẹt và có độ dài khoảng 3-5cm.

Mặc dù đã được luộc chín và số giun sán kia đều đã chết nhưng khi chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người không khỏi rùng mình kinh hãi. Nhất là đối với những người yêu thích các món ốc dừa thì lại càng hoang mang. 

Rất nhiều người để lại những bình luận thể hiện sự sợ hãi trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. 

Anh Anh Việt (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi là tín đồ của món ốc dừa, tuy nhiên nhìn những hình ảnh trên tôi không dám tin là trước đó minh đã ăn biết bao nhiêu con ốc có sán vào cơ thể rồi. Chắc phải kệch mặt tới già".

Chị Mai Linh (Thanh Xuân) cho biết: "Xem xong video này quả thực phát hoảng luôn. Từ nay chắc chắn không dám bén mảng đi ăn ốc nữa luôn".

Mặc dù hầu hết các bình luận đều thể hiện sự choáng váng trước ổ giun sán trong bụng ốc. Tuy nhiên, theo nhiều người sành ăn cho hay, số ốc xuất hiện trong clip  không phải là ốc dừa, đó chỉ là 1 con gần giống ốc dừa và có giá rẻ hơn . "Con ốc bạn đang ăn là con ốc đen. Không phải ốc dừa. 2 con gần giống như nhau, Ốc đen không ăn vì nó luôn có sán. Người bán hay trộn vào để kiếm lời", cư dân mạng này nhận xét.

Ốc dừa chứa sán (Ảnh cắt ra từ clip)

Ốc dừa chứa sán (Ảnh cắt ra từ clip)

Có thể mù lòa nếu ăn phải thức ăn chứa giun sán

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Ốc dừa có sán là chuyện bình thường, phổ biến. Do ốc sống ở dưới đáy hồ, ao, sông, dưới nguồn nước thải nên có thể bị nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật và đặc biệt là ký sinh trùng như sán, giun. Nếu mọi người ăn những loại ốc có chứa ký sinh trùng thì rất nguy hiểm bởi nếu vào ruột còn có thể uống thuốc chữa trị nhưng vào mắt, não thì không chữa được và có thể gây ra mù mắt, liệt...".

Ngoài ra, các quán ốc bày bán vỉa hè mất vệ sinh cộng, ngay cạnh khu cống rãnh cũng có thể tạo điều kiện cho giun, sán tha hồ phát triển.

Theo quan sát của PV, hầu hết các quán ốc thường nấu ốc chưa kỹ để đảm bảo ốc được ngọt và  giòn. Song, ốc nấu chưa chín cũng đồng nghĩa với ký sinh trùng chưa chết, ăn vào sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Ngay cả ốc nấu chín kỹ thì nguy cơ lây nhiễm chéo cũng không thể tránh khỏi. 

Nếu người ăn vô tình ăn phải đồ ăn có chứa giun, sán có thể sinh ra các bệnh nguy hiểm. Với trẻ em sinh ra còi cọc, không hấp thu chất dinh dưỡng, thiếu máu…Đối với người lớn, một khi vào cơ thể người, giun sán có thể sinh sống và di chuyển trong các bộ phận quan trọng của cơ thể, gây tắc nghẽn lưu thông đường mật, viêm ống dẫn mật…Khi di chuyển tới não bộ, giun sán có thể gây mù lòa, động kinh, thậm chí là đột tử.

Ốc dừa đỏ là loại không có sán

Ốc dừa đỏ là loại không có sán

Thai phụ khi bị nhiễm giun sán, có nguy cơ sẩy thai hoặc thai bị dị tật. Ngoài ra, ký sinh trùng còn tấn công não trẻ qua nhau thai, gây tắc đường dẫn lưu, các dịch não tủy, khiến trẻ bị não úng thủy....

Theo ông Thịnh khuyến cáo mọi người hạn chế ăn các loại trai, ốc để tránh bị nhiễm các loại ký sinh trùng nguy hiểm. Rất có thể nhiễm các bệnh khác do nguồn nước nơi ao hồ ốc sinh sống bị nhiễm bẩn, độc.

Tốt nhất nên ăn chín uống sôi, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để hạn chế giun, sán có cơ hội phát triển và lây lan bệnh tật. Trường hợp muốn ăn các loại ốc, trai hến thì lời khuyên cho người tiêu dùng nên chọn mua địa chỉ uy tín, đảm bảo thực phẩm sạch và về nhà tự chế biến. Có như vậy với hạn chế được bệnh tật, tránh tình trạng "tiền mật, tật mang".

Thanh Uyên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang