Rộp lưỡi, bỏng mồm vì sâm Ngọc Linh giả

author 08:27 05/09/2012

(Vietq.vn) - Sau trận lũ lịch sử năm 1999, bất chợt trên địa bàn Kon Tum xuất hiện rất nhiều người rao bán bán sâm Ngọc Linh. Người bán nói rằng vớt được sâm từ lũ cuốn trôi xuống, nên bán với giá rẻ hơn sâm trên thị trường. Kỳ thực đó là một loại củ giống sâm Ngọc Linh, có giá trị thực vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng một ký, hoặc củ ráy ăn vào bị ngộ độc!

Tốn hàng chục triệu để ăn củ độc!

Đã qua 3 năm, nhưng nói đến chuyện bị lừa mua sâm giả, chị Hoàng Thanh Xuân ở phường An Phú quận 2 TP. Hồ Chí Minh đến giờ vẫn chưa hết bức xúc. Mất tiền là một lẽ, đằng này chị không thể nào chịu được khi bị một quả lừa cay đắng.

Lần đó vào cuối năm 2009, chị và mấy người bạn có chuyến công tác lên Tây nguyên. Tranh thủ giữa ngày nghỉ, chị đi tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của người dân bản địa. Người lái xe taxi sau khi thao thao thao nói về các loại thú rừng, măng le, cây quả, rượu cần, cơm lam, gà nướng chấm muối ớt theo kiểu bản địa..., cuối cùng kết luận: “Đáng giá nhất là sâm Ngọc Linh. Món này nếu làm quà biếu thì không gì giá trị bằng”. Nghe nói vể sâm Ngọc Linh đã lâu, nay nghe giới thiệu, chị Xuân càng háo hức.

Người lái xe đưa chị đi sâu vào một bản làng thuộc huyện Đăk Glei. Nơi đây chỉ cần đi vài chục cây số nữa là đến chân đỉnh Ngọc Linh, mệnh danh “nóc nhà Tây nguyên” với độ cao 2.598m so với mặt nước biển. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có loài sâm quý giá này sinh sống, nên gọi là sâm Ngọc Linh là vì vậy.

Ngọc Linh (trái) và củ tam thất hoang (phải).
Ngọc Linh (trái) và củ tam thất hoang (phải).

Chủ nhà là một người đàn ông người Xê-đăng, nói không rành tiếng Kinh. Ông ta đưa ra một gùi nhỏ có chứa củ sâm. Ông nói tại thành phố Kon Tum loại sâm 7 đến 10 tuổi có giá trung bình 40 triệu đồng/kg là đã qua người mua đi bán lại, nhưng ở đây ông đi đào được và khách đi đường xa nên chỉ bán 25 triệu đồng. Mừng vì bắt được món quý giá hời, chị lấy ngay 1 ký và còn hào phóng thưởng cho người lái xe 500 ngàn đồng.

Cứ theo đúng lời dặn của người bán, chị về ngâm 1 ký sâm trong 5 lít rượu ngon. Ngâm rồi hồi hộp, khấp kha khấp khởi chờ cho qua 3 tháng 10 ngày, tức 100 ngày. Chị vẫn được nghe nói nhiều về loài sâm này. Đó là loài sâm tốt nhất thế giới, hơn hẳn cả nhân sâm Triều Tiên về thành phần và hàm lượng các chất sapônin quý giá. Nếu trong sâm Triều Tiên chỉ có 26 loại sapônin thì trong sâm Ngọc Linh có tới 52 chất, bổ dưỡng hơn và chữa trị được nhiều thứ hơn. Ngoài việc bồi bổ cơ thể và chữa hàng chục thứ bệnh, loài củ này phụ nữ dùng thì thịt da tươi nhuận phơi phới sắc xuân, còn nam giới dùng thì nam tính càng mạnh mẽ.

Rồi cái ngày mong đợi đó cũng đến. Buổi tối, khi vợ chồng đã vào phòng chuẩn bị đi ngủ, chị mới rót rượu ra hai ly. Cả anh và chị đều muốn tận hưởng giá trị của loài sâm quý nhất thế giới này nó như thế nào.

Nhưng hỡi ôi! Rượu có vị chát đắng, cay xè, nóng rát chứ không ngọt đắng êm dịu như người ta vẫn kháo nhau. Vừa nuốt xuống, cổ họng bị ngứa không thể nào chịu được. Trong ruột lại cồn cào khó chịu, cứ như có con gì bò và cắn rứt. Hoảng quá, anh và chị ngay trong đêm lập tức chở nhau đến bác sĩ.

Sâm giả tràn lan

Thạc sĩ Lê Thanh Sơn, cán bộ làm việc tại Viện Dược liệu Trung ương, cho rằng với những triệu chứng thể hiện trên, thì có khả năng chị Xuân đãdùng trúng… củ ráy! Củ ráy thuộc họ Araceae, có hình dáng khá giống sâm Ngọc Linh nhưng lại chứa nhiều chất không tốt cho sức khỏe, thậm chí có hại. Điều rõ nhất về tác hại là trước mắt người dùng bị ngứa ngáy, miệng môi phồng rộp.

Kể từ cuối năm 1999, ở Kon Tum bất chợt bùng lên nhiều điểm, nhiều người bán sâm Ngọc Linh! Một tay buôn tên Mẫn trên đường Phan Đình Phùng Hùng Vương thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) nói rằng, sở dĩ thời gian này có nhiều sâm được bán là do trện lũ lụt quét cuốn trôi sâm từ núi ngọc Linh xuống. Điều này dễ khiến người ta tin, bởi từ xưa đến nay trận lũ năm 2009 trận lũ lớn lịch sử của tỉnh Kon Tum. Trận lũ này đã cào hàng trăm héc-ta rừng, cuốn phăng tất cả cây gỗ, đất cát về dòng sông Đăkbla cuồn cuộn. Tại một khu đất mấy chục héc-ta cách thành phố Kon Tum vài chục cây số, hàng ngàn cây gỗ lớn nhỏ trôi theo lũ về tập kết nơi đây, cứ như một công xưởng vĩ đại. Cây gỗ to hàng mấy người ôm mà còn bị lũ cuốn trôi thì sá gì cây sâm nhỏ bé!

Vì là sâm vớt được, nên giá bán khá rẻ, chỉ vài triệu đến mươi triệu đồng một ký. Quả thực đây là cơ hội có một không hai để mua được sâm giá rẻ. Người ta tranh nhau mua. Càng mua thì càng có nhiều sâm bán ra, không như thông tin trước đây rằng cây sâm đã gần tuyệt diệt! Phía tỉnh Quảng Nam cũng mua bán nhộn nhịp. Thậm chí, có nơi còn đóng bì và lấy danh nghĩa Công ty Vật tư y tế tỉnh Quảng Nam để rao bán!

Tuy nhiên theo thạc sĩ Sơn, những người mua đã bị lừa. Nhiều tài liệu cho thấy, đây là các loại củ ráy, củ tam thất. Người không có kiến thức không thể phân biệt được chúng có hình dáng rất giống sâm Ngọc Linh.

Hiện có 3 loại đang được bán giả danh sâm Ngọc Linh. Loại thứ nhất là một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này. Theo các tài liệu nghiên cứu thì giống cây này có chứa một số thành phần khá giống sâm Ngọc Linh nhưng hàm lượng chỉ khoảng 30-40% sâm Ngọc Linh. Giá loại củ này hiện khoảng 5 - 10 triệu đồng một ký.

Loại thứ hai là củ tam thất hoang. Loài này phổ biến nhất vì có củ rễ rất giống sâm Ngọc Linh, người không có nghề, không hiểu biết, chỉ nhìn bên ngoài là bị nhầm lẫn, bị đánh lừa ngay. Loại này cũng có một chút hoạt chất giống sâm Ngọc Linh nhưng cực kỳ thấp. Trong đông y vẫn dùng làm vị thuốc. Một ký loại này có giá vài trăm ngàn đồng, nhưng khi bán với cái tên sâm Ngọc Linh thì giá là 30 triệu đồng!

Tuy nhiên hai loại cây trên thì dù có mất tiền nhưng vẫn không bị hại đến sức khỏe. Vì đồng tiền, những kẻ gian manh đã dùng loại củ ráy đem rao bán. Theo thạc sĩ Sơn, loại củ này chưa biết độc hại tới đâu nhưng biểu hiện bên ngoài ăn là đã thấy rõ. Không ít người bị lừa bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua, khi ăn toàn bộ môi, miệng bị phồng rộp. Những loài thuộc họ ráy này nếu ở trong trạng thái héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật.

Điều đáng sợ là hiện nay đã có công nghệ làm giả sâm Ngọc Linh. Người ta bơm chất kích thích vào những củ tam thất để lên khi đem trồng chúng nảy mầm sớm, củ nhanh lớn mau thu hoạch và có những đốt càng giống củ sâm Ngọc Linh. Còn để có vị đắng ngọt của sâm, việc bơm các loại hóa chất tạo vị vào cũng không khó, đồng thời tiêm cả chất bảo quản để giữ củ tươi lâu.

Có tiền, mua sâm cũng… khó!

Chuyện phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả không phải dễ dàng. Nếu không có chút hiểu biết nào mà cầm tiền đi mua loại thần dược đại bổ này, thì khi ăn vào, sẽ bị… bổ ngửa ngay!

Điều đáng sợ là những kẻ gian thương mang củ tam thất lên tận vùng cao, thuê người đồng bào dân tộc nói là đi đào về bán. Người không có kiến thức, không cảnh giác chắc chắn sẽ trúng ngay bẫy… sâm!

Để đánh lừa người mua một cách “hợp pháp”, khi bán củ tam thất hoang, người bán cam kết sẽ kiểm định tại Trung tâm kiểm định chất lượng 1 tại Hà Nội và Trung tâm kiểm định chất lượng 3 tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên do Trung tâm kiểm định tại TP. Hồ Chí Minh kiểm định bằng phương pháp hóa học mà tam thất có thành phần giống sâm, nên kết quả đưa ra chính là… sâm, vậy nên khách hàng càng tin tưởng mà giao tiền cho gian thương.

Anh Trần Quý Phương, chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, cho biết, để biết chính xác có phải là sâm Ngọc Linh hay không, người mua cần yêu cầu kiểm định theo phương pháp cắt lớp vi mô. Phương pháp này sẽ chỉ ra được các thành phần giống sâm Ngọc Linh trong củ tam thất nhưng tỷ lệ rất thấp.

Ông Lê Đức Thảo, Giám đốc công ty Cổ phần Duy Tân tại Kon Tum, một trong 3 người góp vốn trồng vườn sâm 160ha trên đỉnh Ngọc Linh, cho biết bằng mắt thường vẫn có những cách nhận diện phân biệt sâm thật và giả. Củ sâm Ngọc Linh có nhiều rễ con xung quanh, khi nếm có vị đắng ngọt dịu thơm mùi thảo dược. Khi nhai lát sâm mềm và dai. Trong khi đó củ tam thất hoang có vị đắng gắt, rất ít rễ con xung quanh. Nhai lát tam thất cứng và không dai. Sâm Ngọc Linh thật có da khá nhẵn, đốt ngắn rõ ràng vì mỗi năm từ tháng 8 đến tháng 12 thân cây sâm tàn lụi, tháng giêng năm sau mọc chồi mới và từ đó tạo nên trên thân rễ một đốt sẹo. Tam thất hoang da không nhẵn, củ to, đốt dài.

Ngoài ra có thể nhận biết sâm bằng cách nhìn vào đất bám ở củ. Đất sâm Ngọc Linh sinh sống có nhiều mùn đen, các loại sâm giả thường bám đất đỏ. Cách dễ nhất hiện nay là khảo sát trọng lượng củ. Hơn mười năm nay, sâm Ngọc Linh bị khai thác cạn kiệt, những củ sâm trên 2 - 3 lạng là hiếm thấy.
 

Hiện nay cây sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt diệt nhờ nỗ lực của vườn sâm giống ở xã Trà Linh huyện Trà My tỉnh Quảng Nam, vườn sâm 8ha của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô và vườn sâm 160ha của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (phía tỉnh Kon Tum), cùng hàng chục héc-ta do người dân 3 huyện Trà My, Đăk Glei và Tu Mơ Rông của hai tỉnh này trồng được. Với giá thị trường 30 triệu đồng/kg sâm, thì mỗi héc-ta thu được 12-30 tỷ đồng.

Phương Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang