Rùng mình kết quả xét nghiệm mẫu nước chạy thận tại 41 bệnh viện

author 17:38 25/07/2017

(VietQ.vn) - Sau sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình, Bộ Y tế cho biết, các mẫu nước chạy thận nhân tạo tại nhiều tỉnh thành không đạt chất lượng.

Cụ thể, theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), sau sự cố 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình tử vong, Viện này đã tiếp nhận và xét nghiệm miễn phí các mẫu nước chạy thận nhân tạo cho 41 bệnh viện của 25 tỉnh, thành phố có khoa/đơn nguyên thận nhân tạo.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước chạy thận ở 41 bệnh viện cho thấy, 70% không đạt chất lượng. Ảnh minh họa

Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước chạy thận ở 41 bệnh viện cho thấy, 70% không đạt chất lượng. Ảnh minh họa

Theo đó, các bệnh viện đã gửi về để xét nghiệm mẫu nước đầu nguồn (trước khi lọc thô); nước RO (nước trực tiếp cho chạy thận nhân tạo) và nước sau rửa quả lọc dùng trong chạy thận nhân tạo.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu nước đầu nguồn có tới 70% mẫu không đạt tiêu chuẩn (22/31 mẫu). Trong đó có mẫu của 2 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn về độ pH, 2 bệnh viện không đạt chuẩn độ đục và 7 bệnh viện không đạt chỉ số Pecmanganat. Các mẫu nước đầu nguồn này cũng có đến 17/40 (chiếm 42,5%) không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%).

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm mẫu nước RO (nước trực tiếp dùng cho chạy thận) đã phát hiện có tới 60% mẫu nước (chiếm 24/40 mẫu) có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép.

Theo các chuyên gia, có kết quả này do liên quan đến nồng độ vi khuẩn cao ở nước đầu nguồn. Vì nồng độ vi khuẩn trong nước nguồn rất cao nên sau khi xử lý, vi khuẩn chết gây “ô nhiễm” nội độc tố trong nước RO.

 
PGS-TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo, hiện nay nhiều cơ sở y tế sử dụng hệ thống ống nước chạy thận thông thường với nhiều đường nối sử dụng keo dán; thiết kế hệ thống nước chưa hợp lý nên có thể làm lắng đọng chất ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi chạy thận nhân tạo.
 

Trong khi đó, nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân: giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, sốt, thậm chí tử vong, tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân.

Kết quả xét nghiệm các mẫu nước rửa quả lọc phát hiện 1 mẫu phát hiện tồn dư chất diệt khuẩn.

Theo PGS Hải, hiện các quả xét nghiệm trên đã được Viện thông báo cho Giám đốc các bệnh viện để có phương án khắc phục sớm nhất bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng sẽ thực hiện tư vấn, tập huấn cho các BV trong khắc phục để nâng cao chất lượng nước tại các đơn vị thận nhân tạo.

Cũng theo PGS Hải, nguồn nước sử dụng trong chạy thận nhân tạo phải đảm bảo chất lượng. Ngay ở nước đầu vào phải bảo đảm, tốt nhất là nước có thể uống trực tiếp được. Bên cạnh đó hệ thống đường ống phải đạt chuẩn trong sử dụng y tế, phòng rửa quả lọc phải vô trùng.

Việc nhiều cơ sở chạy thận sử dụng hệ thống ống nước chạy thận thông thường vói nhiều đường nối sử dụng keo dán; thiết kế hệ thống nước chưa hợp lý có thể là căn nguyên làm làm lắng đọng các chất ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi chạy thận nhân tạo.

Nhắc tới vụ chạy thận tại Hòa Bình, trước đó vào chiều 8/6, đại diện Sở Y tế Hòa Bình đã họp báo chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 18 bệnh nhân nguy kịch, 8 người tử vong ngày 29/5 vừa qua.

Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết: “Ngày 28/5, Công ty Thiên Sơn bảo trì bảo dưỡng lọc nước RO của hệ thống máy chạy thận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có ký kết hợp đồng bảo trì máy chạy thận với công ty này). Sau khi bảo trì, chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân”.

Bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết, sáng 8/6, Hội đồng chuyên môn đã họp để tìm nguyên nhân xảy ra vụ tai biến khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Hội đồng chuyên môn cho rằng các bệnh nhân bị Hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).

Cũng theo bà Hằng, trong sự cố, quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp với quy trình. Khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cần cấp cứu, đơn nguyên Thận nhân tạo cũng đã báo cáo với lãnh đạo Bệnh viện xin hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, đây là một thảm họa lớn, do vậy bệnh viện còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng thảm họa.

Sau vụ việc này, Sở Y tế Hòa Bình đã tạm đình chỉ 3 cán bộ, bác sĩ liên quan đến vụ tai biến khi chạy thận làm 8 người chết, trong đó có Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang